Tiền mã hóa là tài sản theo quan điểm của nhà chức trách Pháp

26/10/2018
Tiền mã hóa là tài sản theo quan điểm của nhà chức trách Pháp
Ngày 25/10, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Một số vấn đề pháp lý về tiền mã hóa”. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tọa đàm có sự tham gia của ông Yorich De Mombynes - Kiểm toán viên cao cấp, Tòa Kiểm toán Paris - diễn giả chính của Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm còn có đại diện Bộ Công an; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Buổi sáng, chuyên gia Yorich De Mombynes đã trình bày các vấn đề cơ bản của tiền mã hoá như: nguồn gốc, kỹ thuật tạo nên tiền mã hoá; những ứng dụng tiềm năng mà công nghệ Blockchain và tiền mã hoá mang lại cũng như những thách thức mà chúng đặt ra đối với với hệ thống pháp luật. Xen giữa phần trình bày của chuyên gia, các đại biểu tham dự Toạ đàm đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến bản chất của tiền mã hoá cũng như lý do của sự biến động liên tục về giá của chúng.
Buổi chiều, ông Yorich De Mombynes đã giới thiệu về kinh nghiệm của Pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền mã hoá với các nội dung chính như: các chủ thể có liên quan; các biện pháp hành chính và tư pháp; khung khổ pháp lý dành cho ICO; chế độ thuế dành cho các giao dịch liên quan đến tiền mã hoá và một số phán quyết của nhà chức trách Pháp về một số vụ việc tiền mã hoá cụ thể. Về thuế, theo hướng dẫn thuế ngày 11/7/2014 của cơ quan thuế vụ Pháp, lợi nhuận phát sinh từ các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa của các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch với mục đích thương mại sẽ phải chịu thuế thu nhập. Đối với ICO, chuyên gia đã cung cấp thông tin cho biết, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp đã đệ trình dự thảo Luật về tăng trưởng và chuyển đổi cho doanh nghiệp  (PACTE), trong đó, có quy định các điều kiện liên quan đến việc phát hành token để gọi vốn (ICO) của doanh nghiệp; Cơ quan quản lý thị trường tài chính của Pháp (AMF) sẽ có thẩm quyền thông qua và cấp phép (cấp visa) đối với các dự án ICO. Hiện nay, Hạ viện Pháp đang xem xét thông qua đối với dự thảo Luật này. Về bản chất pháp lý của tiền mã hóa, theo quyết định của Hội đồng Nhà nước (Conseil d’État) của Pháp ngày 26/4/2018, tiền mã hóa (Bitcoin) có đặc tính của tài sản, cụ thể là động sản vô hình.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã thảo luận sôi nổi và tập trung đặt các câu hỏi về các vấn đề liên quan đến quản lý sàn giao dịch tiền mã hoá tại Pháp. Về phạm vi nội hàm của thuật ngữ “tiền mã hoá”, chuyên gia và các đại biểu tại Toạ đàm bày tỏ sự ủng hộ sử dụng thuật ngữ “tài sản mã hoá” thay vì “tiền ảo” hay “tiền mã hoá” vì thuật ngữ này bảo đảm tính bao quát, đầy đủ hơn. Về bản chất pháp lý, cơ bản các đại biểu đều ủng hộ coi tài sản mã hóa là tài sản như cách tiếp cận của Pháp. Kết thúc buổi Toạ đàm, ông Yorich De Mombynes cho rằng, hiện nay, quan điểm của giới chức Pháp vẫn là khá thận trọng trong việc đối phó với các vấn đề pháp lý phát sinh từ tiền mã hoá. So với các nước trên thế giới, Pháp vẫn chưa cấp tiến nhưng cũng khộng tụt hậu trong quá trình ứng xử với tiền mã hoá/ tài sản mã hoá.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn những đóng góp của chuyên gia người Pháp cũng như sự tham gia của các đại biểu tham dự. Nhiều nội dung trong Tọa đàm sẽ được cân nhắc để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Tuấn Linh – Vụ PLDSKT