Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp

07/12/2007
Chiều 6/12, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp Jean – Pierre Ferret cùng các đại biểu trong đoàn. Về phía Việt Nam còn có Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Huy Ngát, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất và một số cán bộ của hai Vụ.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã khẳng định sẽ tiếp nối những công việc hợp tác giữa Pháp - Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực pháp luật nói riêng. Theo Bộ trưởng, việc Luật Công chứng ra đời đã mở ra giai đoạn mới cho hoạt động công chứng ở Việt Nam và là kết quả của những cố gắng, đóng góp của Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thực thi tốt. Hiện Bộ tư pháp đang soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật Công chứng để trình Chính phủ xem xét, ban hành vì từ tháng 1/2008, hoạt động công chứng ở Việt Nam sẽ có những chuyển đổi và sẽ gần với hoạt động công chứng ở Pháp. Theo đó, các công chứng viên sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, tự hoạt động nhưng phải chịu sự giám sát của Bộ Tư pháp và có thể bị kỷ luật (nêú có hành vi sai trái) như một công chức. Ngay lập tức, đội ngũ công chứng viên của Việt Nam chưa thể làm được tất cả những gì mà công chứng viên cần làm, nhất là khi Chính phủ giao cho mọi dịch vụ phải gần dân (mỗi huyện đều có một văn phòng công chứng), không gây phiền hà cho dân.

Bộ trưởng cho rằng, xã hội Việt Nam đã có những đánh giá đúng mức về hoạt động công chứng và hoạt động của công chứng viên, nên để đáp ứng cho những chuyển đổi trong hoạt động công chứng sắp tới cần có các kế hoạch phát triển lực lượng công chứng viên nhanh chóng nhưng vững chắc. Hiện có rất nhiều luật sư đã đăng ký chuyển sang làm công chứng viên và 30 người đã được công nhận. Cả nước mới chỉ có Học viện Tư pháp có hoạt động đào tạo công chứng viên nên khả năng đáp ứng còn ở mức độ vừa phải, còn cần hoàn thiện với sự hỗ trợ của Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cườngcho biết, trong thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ thành lập một tổ chức chung cho lực lượng công chứng viên với qui mô toàn quốc. Tuy nhiên còn cần thời gian để chuẩn bị và hy vọng Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp sẽ hỗ trợ thêm nhiều kinh nghiệm. Bộ trưởng hy vọng, với họat động công chứng theo Luật mới, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ được hình thành công khai chứ không hoạt động “ngầm” như hiện nay. Nhờ đó, Nhà nước sẽ không bị thất thu tiền thuế chuyển nhượng bất động sản và quyền sử dụng đất.

Ngài Jean – Pierre Ferret cho rằng, để hoạt động công chứng của Việt Nam thực sự là một dịch vụ công do công chứng viên thực hiện cho Nhà nước đạt hiệu quả, ngoài việc thành lập tổ chức công chứng toàn quốc, Việt Nam còn cần tập trung vào các vấn đề như đạo đức nghề nghiệp, tổ chức văn phòng công chứng… Với những vấn đề này, ngài Ferret thông báo đã đề nghị Đại sứ quán Pháp đưa vào dự án để hỗ trợ Việt Nam. Về phía Pháp cũng đã đề nghị với Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam hợp tác để cùng Bộ Tư pháp xây dựng một lực lượng công chứng viên đủ về số lượng để phân bổ trên toàn quốc và đáp ứng chuyên môn để “đảm bảo an toàn cho mọi giao dịch”. Ngài Jean – Pierre Ferret cũng khẳng định, đối với Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp, hợp tác với Việt Nam có vị trí đặc biệt, nhất là hợp tác trong lĩnh vực đăng ký bất động sản, đất đai. Vì thế, hướng hợp tác ngày càng phát triển trong tương lai là ưu tiên hàng đầu của Hội đồng. Ông Ferret thông báo, nếu Việt Nam sẵn sàng, từ 2008, sẽ có 15 công chứng viên của Pháp sang Việt Nam (theo nhóm) để hỗ trợ đào tạo công chứng viên.

Đánh giá về hoạt động công chứng ở Việt Nam, ông Jean – Pierre Ferret cho rằng, công chứng của Việt Nam đã phát triển nhanh. Với hệ thống công chứng như hiện nay ở Việt Nam, Pháp phải mất 5 thế kỷ mới xây dựng được nhưng Việt Nam chỉ cần 10 năm. Tất cả những gì Việt Nam đã làm được chứng tỏ Việt Nam có ý chí phát triển hoạt động công chứng, hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của công chứng viên. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp phải đảm bảo chất lượng dịch vụ của công chứng viên. Chính phủ Pháp và Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp luôn sẵn sàng hộ trợ và tin tưởng vào sự phát triển của hoạt động công chứng, cũng như đội ngũ công chứng viên ở Việt Nam trong tương lai. Ông Ferret hy vọng, phần mềm hoạt động công chứng mà Pháp đã xây dựng sẽ được ứng dụng cho hoạt động đăng ký đất đai, bất động sản ở Việt Nam. Ông cũng cho biết, hiện Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp đã bắt đầu chuẩn bị cho dự án hợp tác mới với Việt Nam (sau khi dự án tin học hoá hoạt động công chứng kết thúc). Cách đây 3 tuần, Đại sứ quán Pháp đã đề nghị Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp, chủ yếu là Bộ Tư pháp Việt Nam có công hàm để hợp tác thực hiện. Dự án mới có nội dung quan trọng là đào tạo và sẽ có nhiều hợp tác với cả Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam.

Hiện Chính phủ Pháp đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án tin học hoá hoạt động công chứng (dự kiến kết thúc vào 30/9/2008) với mục tiêu trang bị cơ sở kỹ thuật cho 140 phòng công chứng, kết nối mạng cho các phòng công chứng ở Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM, xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử cho các phòng công chứng, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 400 công chứng viên. Tính đến nay mới hoàn thành được 50% khối lượng công việc. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã bày tỏ hy vọng đến cuối tháng 9/2008, mọi mục tiêu của dự án này sẽ hoàn thành, mở ra trang mới cho sự hợp tác toàn diện, đồng bộ hơn giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực công chứng, mà trung tâm là các công chứng viên.

Trước khi kết thúc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và ông Jean – Pierre Ferret đã trao quà lưu niệm, thể hiện sự thân thiện giữa hai bên và cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa trong tương lai./.  

Hương Giang