Ngày 21/5/2018, Học viện Tư pháp đã tổ chức Lễ khai giảng lớp học. Đến dự lễ khai giảng khóa bồi dưỡng có bà Trần Phương Hoa – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, ông Đoàn Trung Kiên – Giám đốc Học viện Tư pháp cùng các thầy cô giáo và toàn thể học viên của lớp học.
Đây là Lớp bồi dưỡng ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự thứ hai tổ chức tại thành phố Hà Nội. Lớp học diễn ra từ ngày 21/5/2018 đến ngày 12/7/2018. Tham gia lớp học là 51 công chức đang giữ ngạch Chuyên viên, Thư ký chuẩn bị thi sang ngạch Thẩm tra viên đến từ Tổng cục Thi hành án dân sự và 16 cơ quan thi hành án dân sự địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung.
Chương trình bồi dưỡng ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định số 2687/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đây là chương trình được xây dựng năm 2017 dựa trên chương trình bồi dưỡng ngạch Chuyên viên do Bộ Nội vụ ban hành. Bên cạnh việc kế thừa các kiến thức quản lý hành chính nhà nước như chương trình bồi dưỡng ngạch Chuyên viên do Bộ Nội vụ ban hành, chương trình bồi dưỡng ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự còn được bổ sung các kiến thức, kỹ năng đặc thù của ngạch công chức Thẩm tra viên như: Kỹ năng tổ chức thẩm tra, kiểm tra trong thi hành án dân sự; Kỹ năng thực hiện, kiểm tra công tác tiếp nhận, xử lý yêu cầu thi hành án dân sự; Kỹ năng thẩm tra hồ sơ thi hành án dân sự; Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin trong thẩm tra thi hành án dân sự; Kỹ năng viết báo cáo của thẩm tra viên thi hành án dân sự; Kỹ năng thẩm tra thống kê, báo cáo trong thi hành án dân sự; Kỹ năng của thẩm tra viên trong việc giải quyết bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự và theo dõi thi hành án hành chính…
Chương trình bồi dưỡng ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự có tổng thời gian bồi dưỡng là 08 tuần tương đương 40 ngày làm việc, với tổng thời lượng là 320 tiết bao gồm 23 chuyên đề giảng dạy, 02 chuyên đề báo cáo, chia thành 2 phần chính.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng lớp học, bà Trần Phương Hoa chào mừng các học viên tham gia khóa bồi dưỡng. Bà chia sẻ, thi hành án dân sự có thể coi là giai đoạn cuối cùng để buộc một cá nhân, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự theo nội dung phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong THADS, Chấp hành viên đóng vai trò là trung tâm, nhưng không thể thiếu được vai trò của Thẩm tra viên. Thẩm tra viên là những người thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, cán bộ, công chức có liên quan để kịp thời khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện và góp phần đưa đến kết quả cuối cùng trọn vẹn. Đồng thời, trên lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham mưu trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát thì đội ngũ Thẩm tra viên là những người trực tiếp thực hiện, trực diện đối mặt với nhiệm vụ không ít những khó khăn, phức tạp. Do vậy, bà Trần Phương Hoa khẳng định, bồi dưỡng ngạch thẩm tra viên là một hoạt động vô cùng quan trọng. Bà yêu cầu các học viên tham dự đầy đủ khóa học, tích cực và chủ động tham gia vào các giờ học, không những để hoàn thiện thủ tục bổ nhiệm mà còn cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng để hoàn thành tốt công việc của mình. Bà cũng đề nghị Học viện Tư pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các học viên yên tâm học tập.
Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên khẳng định, Học viện Tư pháp luôn dành những điều kiện tốt đẹp nhất cho học viên về học các lớp đào tạo và bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp. Ông cũng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp để công tác tổ chức lớp học được thuận lợi. Giám đốc chúc các học viên khi tham gia sẽ thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích để sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng sẽ thực hiện tốt công việc của mình.
Thanh Hương