Hội thảo “Thực thi quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng mà một bên là yếu thế”

16/05/2018
Hội thảo “Thực thi quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng mà một bên là yếu thế”
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID tại Việt Nam (Dự án GIG) năm 2017-2018 và Bộ Tư pháp, ngày 11 tháng 5 năm 2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã tổ chức Hội thảo “Thực thi quy định pháp luật dân sự về hợp đồng mà một bên là yếu thế” .

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên,  Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tưởng Duy Lượng; một số thành viên Tổ biên tập Bộ luật dân sự năm 2015, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Cộng sản, đại diện Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn luật sư, Trung tâm trợ giúp pháp lý, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội người cao tuổi, Hội Người Khuyết Tật, Trung Tâm Dạy Nghề Người Khuyết Tật của một số địa phương như: Tp.HCM, Hậu Giang, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang; đại diện một số trường đại học, học viện và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Cục Công tác phía Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Viện Khoa học pháp lý. Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhận được sự tham gia ý kiến đông đảo và sôi nổi của các đại biểu về nhận diện người yếu thế trong hợp đồng, cơ chế pháp lý trong thực hiện, bảo vệ người yếu thế cả trong quy định của pháp luật và thực thi pháp luật về hợp đồng từ các lĩnh vực đời sống hàng ngày đến các quan hệ bảo vệ người tiêu dùng, lao động, thương mại, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm và tố tụng… Thông qua 06 tham luận trình bày tại Hội thảo và ý kiến thảo luận nhất là từ đại diện cộng đồng người cao tuổi, người khuyết tật, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, nhiều chủ đề từ lý luận đến thực tiễn được các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu đặt ra như điều kiện giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu; thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản; thực tiễn tham gia hợp đồng dân sự của người khuyết tật, người cao tuổi, người thành niên; bảo vệ người yếu thế trong hoạt động tố tụng... Bên cạnh đó, hội thảo cũng tranh luận, đưa ra nhiều quan điểm tiếp cận nhiều chiều về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động tín dụng; các cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người cao tuổi tiếp cận quyền về hợp đồng; việc lựa chọn pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; việc công khai các điều kiện giao dịch chung...

Tiếp thu kết quả hội thảo, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hơn các giải pháp, các công cụ bảo đảm quyền lợi của bên yếu thế để phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật của Vụ và của Bộ; tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổng hợp và có đề xuất thích hợp tới các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là tới Tòa án nhân dân tối cao trong công tác hướng dẫn xét xử, xây dựng án lệ, kịp thời giải quyết những vướng mắc đang đặt ra trên thực tế.
 
Ngô Thu Trang