Ngày 12/1, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (viết tắt là CLB) đã tổ chức Hội nghị Ban chủ nhiệm (mở rộng) lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013 - 2018. Đại diện phía cơ quan chủ quản (Bộ Tư pháp) có Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú.
Đa dạng các hoạt động của CLB
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm CLB Nguyễn Duy Lãm cho biết: Những thành tựu chung của nền kinh tế đất nước năm 2017 có sự đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp và của cộng đồng doanh nghiệp (DN), các tổ chức đại diện cho DN, trong đó có CLB và các hội viên CLB. Năm qua, CLB đã triển khai các hoạt động rất phong phú và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, về công tác chăm sóc, phát triển hội viên, cơ bản đã thực hiện được kế hoạch đề ra, có đổi mới về công tác này, đáp ứng yêu cầu chăm sóc hội viên. Nhiều Hội viên gắn kết thường xuyên với CLB như Tổng công ty May 10, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro, Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam, Agribank, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Hapro, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng; Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên… Đáng chú ý, một số DN khi gặp phải các vướng mắc pháp lý được các cơ quan nhà nước, các chuyên gia giới thiệu, tìm thông tin trên internet đã tự tìm đến xin tư vấn của CLB, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp đối với CLB
Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật được tiến hành một cách hiệu quả. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN giai đoạn 2015 - 2020, CLB đã mở nhiều lớp bồi dưỡng ở các tỉnh, thành như Cần Thơ, Yên Bái, Gia Lai, Hòa Bình... Riêng văn phòng đại diện Câu lạc bộ Pháp chế DN tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng và 02 Hội nghị đối thoại theo sự hỗ trợ của chương trình 585. Bên cạnh việc tổ chức hoạt động theo kế hoạch, CLB còn chủ động và phối hợp với DN tổ chức được 02 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Các chương trình bồi dưỡng của CLB được DN đánh giá tốt, phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng pháp lý của DN.
Hoạt động tư vấn pháp luật của CLB cũng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu tư vấn của DN. Điển hình là giải đáp và tư vấn pháp luật cho Công ty Nhà Nổi Hồ Tây liên quan đến vấn đề di dời tài sản; tư vấn và nêu hướng giải quyết cho Công Ty Liskin về các vấn đề liên quan đến cổ phần, đại diện của DN; giải đáp pháp luật cho Tổng công ty 15 về vốn góp trong dự án, mẫu điều lệ; tư vấn cho Công ty Cổ phần Vipico về việc thực hiện dự án đầu tư tại Đà Nẵng...
Thông qua các hoạt động trên, hình ảnh, vị thế của CLB đối với DN của CLB đã được nâng cao. Với vai trò “là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật”, CLB đã lắng nghe ý kiến của DN và phản ánh, báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. CLB còn tham gia vào các hội thảo, hội đồng thẩm định và góp ý văn bản pháp luật, góp phần hoàn thiện pháp luật đối với từng đạo luật cụ thể và các văn bản dưới luật khác như hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa…
Tích cực chuẩn bị Đại hội CLB nhiệm kỳ mới
Tuy nhiên, hoạt động của CLB vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, sự kết nối hoạt động giữa CLB và DN chưa thật tốt, hiệu quả; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh còn chưa thỏa mãn nhu cầu của riêng một số doanh nghiệp; hoạt động chăm sóc hội viên còn chưa sâu sát, chưa liên hệ liên tục với DN. Ngoài ra, sự tham gia của nhiều ủy viên Ban chủ nhiệm và DN hội viên vào các hoạt động của CLB còn mờ nhạt, trách nhiệm chưa cao.
Vì vậy, CLB xác định sẽ ưu tiên nhiệm vụ về tổ chức trong năm 2018 là tiếp tục đẩy mạnh phát triển hội viên, thường xuyên thống kê và theo sát các DN để nắm được các vướng mắc, khó khăn cũng như nhu cầu của DN. Đồng thời, xem xét, xúc tiến việc thành lập Văn phòng đại diện mới, củng cố các Văn phòng đại diện đã thành lập; kiện toàn Ban chủ nhiệm, Ban Thường vụ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội CLB nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Đối với các hoạt động, sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của CLB. Theo đó, tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh của CLB trong hoạt động bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật, đặc biệt là những văn bản pháp luật mới liên quan đến sản xuất, kinh doanh cho DN; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn pháp luật cho DN; kịp thời tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đề làm tròn vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN. Đặc biệt, CLB sẽ mở rộng hợp tác, quảng bá thương hiệu hình ảnh của CLB qua thực hiện kế hoạch quảng bá hình ảnh CLB đến các DN là hội viên của CLB và các DN trên cả nước để tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Nguyễn Duy Lãm báo cáo kết quả năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, các đại biểu đã tập trung thảo luận những việc cần làm để phục vụ DN tốt hơn, nhất là về phương pháp, cách thức. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quyết tâm thực hiện kế hoạch đề ra của Ban chủ nhiệm trong năm 2018 và đề xuất CLB sẽ hướng vào DN nhỏ nhiều hơn. Đại diện Tổng công ty Viglacera kiến nghị, quá trình cổ phần hóa có thể sẽ không còn là DN Việt Nam nên cần xem xét việc kết nạp hội viên là DN nước ngoài… Các đại biểu cũng trao đổi giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh phí và mong muốn CLB luôn quan tâm đến lợi ích trực tiếp của DN.
Ông Nguyễn Thanh Tú đánh giá, hoạt động năm qua của CLB đã khởi sắc hơn nhưng tới đây cần rà soát hội viên để phát triển thêm cũng như tăng cường kết nối với các hiệp hội khác. Đồng thời, phải đẩy mạnh hoạt động tư vấn, gắn kết các hội viên và đặc biệt phải phát huy vai trò “cầu nối” giữa DN và cơ quan nhà nước về vấn đề pháp lý bằng việc kịp thời vào cuộc giải đáp các vướng mắc cụ thể của DN hội viên.
H.Thư