Đoàn khảo sát giữa kỳ Dự án JICA thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp

09/01/2018
Đoàn khảo sát giữa kỳ Dự án JICA thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp
Chiều ngày 08/01, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Đoàn khảo sát giữa kỳ Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020 – Dự án JICA” do bà Yumiko NAKAMURA làm Trưởng đoàn cùng các đồng nghiệp sang thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Đặng Hoàng Oanh chào mừng bà Yumiko NAKAMURA cùng các đồng nghiệp sang thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp Việt Nam, đồng thời bà Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao mục đích của chuyến công tác nhằm mục đích rà soát và đánh giá kết quả thực hiện Dự án trong gần ba năm vừa qua (từ năm 2015 đến nay) cũng như thảo luận về định hướng hợp tác cho các năm tiếp theo của Dự án.
Chia sẻ về kết quả mà hai Bên đã đạt được trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đặng Hoàng Oanh cho biết Nhật Bản là một trong những đối tác song phương đầu tiên có hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ hợp tác từ cuối năm 1996 tới nay, thông qua các chương trình, dự án hợp tác với JICA, Bộ Tư pháp Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và hữu ích trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành Tư pháp.
 Đối với hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đây là hoạt động trọng tâm luôn được JICA quan tâm, ưu tiên hỗ trợ và coi là mục tiêu chính của Dự án. Trong suốt 03 năm qua, Dự án JICA đã hỗ trợ Bộ Tư pháp nói riêng và Việt Nam nói chung xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật trong đó có nhiều đạo luật quan trọng, xương sống của hệ thống pháp luật như: Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành; hỗ trợ xây dựng các Nghị định, Thông tư trong các lĩnh vực pháp luật như Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định về pháp chế Bộ ngành; thẩm tra Pháp lệnh trồng trọt, chăn nuôi, Luật Thủy sản, nghị định về thừa phát lại...
Song song với việc hỗ trợ hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong những năm qua, Dự án JICA luôn đồng hành với Việt Nam trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cơ quan tư pháp Việt Nam thông qua việc tổ chức tập huấn các quy định mới của Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, bộ tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự; xây dựng các chương trình đào tạo; giải quyết các vụ án trong một số lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc tranh tụng cho kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ của tòa, viện, kỹ năng cho luật sư (tập huấn và xây dựng sổ tay cho luật sư, kỹ năng trợ giúp pháp lý) ; tập huấn nâng cao năng lực trong thực hiện pháp luật thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước,...; xây dựng các quy định quản lý nội bộ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (quy tắc xử lý kỷ luật, chế định luật sư trực ban)...
Thống kê trong các năm 2015-2017, số lượng các hoạt động Dự án đã hỗ trợ cho Bộ Tư pháp là 49 hoạt động với 69 hoạt động cụ thể (tương ứng với 24% và 26% tổng số hoạt động của Dự án dành cho các cơ quan của Việt Nam). Các hình thức hỗ trợ thông qua các hội thảo, tập huấn và các khảo sát với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản để cung cấp, chia sẻ thông tin cũng như góp ý hoàn thiện các dự thảo văn bản. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản trong thời gian qua, đặc biệt là trong khuôn khổ các Dự án do JICA tài trợ đã đóng góp hết sức thiết thực, hiệu quả cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế và tố tụng của Việt Nam cũng như cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo bà Oanh đánh giá các hoạt động của Dự án trong thời gian qua vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như phạm vi hỗ trợ và đối tượng hưởng lợi còn hạn chế. Thực tế số lượng các hoạt động hỗ trợ, hợp tác tương đối nhiều nhưng mới chỉ giới hạn ở đại diện một số đơn vị, tổ chức, cơ quan tư pháp địa phương. Về hình thức hoạt động: các hoạt động hợp tác, hỗ trợ chủ yếu tập trung vào việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo trong khi đó việc tổ chức nghiên cứu khảo sát thực tế tại Nhật Bản và Việt Nam còn ít. Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm, việc tham vấn, khuyến nghị chủ yếu mới dừng ở các ý kiến của các chuyên gia dài hạn của Dự án tại Việt Nam mà chưa có nhiều ý kiến của các chuyên gia, giáo sư của Nhật Bản trong từng vấn đề liên quan đặc biệt là một số lĩnh vực chuyên sâu như Thi hành án dân sự, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực. Về công tác quản lý thực hiện Dự án vẫn còn hạn chế ở việc phối hợp, liên kết, kế thừa lẫn nhau giữa các đối tác thực hiện Dự án trong khi đó nhiều nội dung có liên quan đến nhau, kể cả trong những lĩnh vực là truyền thống và ưu thế của Nhật Bản như liên quan đến lĩnh vực pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, hình sự.
Đề xuất về định hướng hợp tác trong thời gian tới, bà Đặng Hoàng Oanh đề xuất Dự án JICA tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các hoạt động của Bộ Tư pháp trong công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp với nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào một số nội dung như  hỗ trợ triển khai thi hành các Bộ luật, Luật vừa được Quốc hội ban hành, Nghị quyết 99/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tổ chức thi hành pháp luật và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp Việt Nam để đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh mới của đất nước và trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Cũng trong buổi chiều ngày 08/01/2018, Đoàn đánh giá đã có buổi làm việc với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế để thảo luận về các nội dung có liên quan. Thay mặt đơn vị, ông Nguyễn Thanh Tú cũng ghi nhận và đánh giá cao về những hỗ trợ và kết quả mà Dự án đã hỗ trợ cho các hoạt động của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế trong thời gian qua. Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế là một trong những đơn vị đầu tiên nhận được sự hỗ trợ của Dự án.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, các hoạt động hợp tác với Dự án JICA đều đạt chất lượng hiệu quả, có tác động tích cực đến kỹ thuật lập pháp và việc cải cách chính sách và pháp luật Việt Nam theo định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước và hội nhập kinh tế, quốc tế. Sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Dự án JICA là một động lực to lớn để Bộ Tư pháp phát huy hiệu quả việc triển khai thi hành Bộ luật dân sự năm 2015 đặc biệt là việc tuyên truyền, phổ biến các điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015 tới cán bộ làm thực tiễn như luật sư, công chứng viên, kiểm sát viên, thẩm phán, giảng viên; rà soát pháp luật liên quan với Bộ luật dân sự và đề xuất hoàn thiện; và việc kịp thời phát hiện và xử lý và đề xuất các giải pháp giải quyết vướng mắc trong việc chưa hiểu đúng các quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015.
Trong thời gian tới, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế mong muốn JICA tiếp tục hỗ trợ tổ chức thi hành Bộ luật Dân sự 2015 trong đó tập trung vào các nội dung như: nghiên cứu và hoàn thiện các vấn đề pháp lý đối với tiền ảo, ví dụ Bitcoin... trong Cuộc Cách mạng 4.0 (kỷ nguyên công nghệ thông tin); nâng cao hiệu quả thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp theo hướng thống nhất, đồng bộ và cơ chế giải quyết ngoài Tòa án cho các tranh chấp dân sự/ hợp đồng; nghiên cứu các vấn đề pháp lý và thực thi để thể chế hóa đầy đủ các quyền về tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng, quyền sử dụng đất và quyền bề mặt làm ba vấn đề khá mới trong Bộ luật dân sự năm 2015 và một số vấn đề khác có liên quan.
Nhận xét về những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác của Dự án JICA, ông Nguyễn Thanh Tú cho rằng hạn chế của Dự án JICA hiện nay là lĩnh vực hỗ trợ của Dự án còn dàn trải, chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm; các tham vấn, khuyến nghị, chia sẻ kinh nghiệm chủ yếu mới dừng ở các ý kiến của các chuyên gia dài hạn của Dự án tại Việt Nam mà chưa có nhiều ý kiến của các chuyên gia, giáo sư của Nhật Bản trong từng vấn đề liên quan. Do đó, ông Tú hi vọng trong thời gian tới, Dự án sẽ nghiên cứu và tập trung vào các hoạt động trọng tâm, then chốt; nghiên cứu mời thêm chuyên gia, giáo sư Nhật Bản cũng như các chuyên gia Việt Nam tham gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm  và nghiên cứu trong từng vấn đề liên quan đặc biệt là một số lĩnh vực chuyên sâu cần nhiều trao đổi.
Trong những ngày tới, Đoàn sẽ tiếp tục có các buổi làm việc với các đối tác tham gia dự án (Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Hiên Lê,
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp