Mới đây, một vị đại biểu HĐND đã có đề xuất, đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông từ ba lần trở lên phải được học tập, ký cam kết không vi phạm hoặc tập trung lao động bắt buộc, cưỡng bức lao động công ích để giáo dục, răn đe. Trước đề xuất này, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), nguyên Tổ phó Tổ biên tập Luật XLVPHC năm 2012 Đặng Thanh Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Ông Đặng Thanh Sơn cho biết:
Đây là vấn đề đã được đặt ra và thảo luận trong quá trình xây dựng Luật XLVPHC năm 2012. Tại thời điểm đó, Dự thảo Luật mà Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào hệ thống các hình thức xử phạt vi phạm hành chính một số hình thức xử phạt mới so với quy định trong Pháp lệnh XLVPHC trước đây. Đó là hình thức xử phạt “Buộc lao động phục vụ cộng đồng” và “Buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm” khi cá nhân có hành vi vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực như an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường… Theo đó, cơ chế thực hiện tại nơi xảy ra vi phạm hoặc chuyển quyết định xử phạt về địa phương nơi người đó cư trú và tổ chức thực hiện tại nơi cư trú.
Lo ngại xảy ra trường hợp tiếu lâm
* Thưa ông, vậy tại sao các hình thức này đã không được ghi nhận để bây giờ lại có ý kiến đề xuất bổ sung, ?
- Trong quá trình thảo luận về các hình thức xử phạt dự kiến nêu trên có hai loại ý kiến. Ý kiến ủng hộ cho rằng, sở dĩ cần thiết áp dụng các hình thức xử phạt này vì trong thực tế nhiều trường hợp, việc phạt tiền không có mấy tác dụng giáo dục. Chẳng hạn, đối tượng dư giả về kinh tế, trong khi mức phạt phải áp dụng chung, thống nhất vì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nhưng với đối tượng nói trên thì tác dụng răn đe, giáo dục không cao.
Vì vậy, họ cho rằng, phải chăng trong một số trường hợp, với một số hành vi, cần áp dụng hình thức xử phạt khác, như phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng” (dự kiến tối đa đến 30 giờ và người bị áp dụng hình thức xử phạt này không được trả công). Nhà làm luật sẽ thiết kế quy phạm pháp luật theo hình thức cho phép lựa chọn hình thức xử phạt, ví dụ điều khiển xe vào đường cấm, điều khiển xe quá tốc độ thì người vi phạm bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng hoặc bị phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng từ 20 - 30 giờ. Khi áp dụng, người có thẩm quyền xử phạt sẽ lựa chọn hình thức xử phạt cho phù hợp.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia khi ấy cũng đang quy định áp dụng hình thức phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng như Trung Quốc, Hoa Kỳ... Thực tế, ở Hoa Kỳ đã có trường hợp một cô ca sỹ rất nổi tiếng khi uống rượu đã lái xe và bị phát hiện, xử lý. Tòa án tuyên phạt cô ca sĩ đó phải lao động công ích phục vụ cộng đồng 02 tuần.
Trong khi đó, ý kiến không ủng hộ lại cho rằng hình thức xử phạt trên “vướng” ở một số điểm. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức, trong khi đây là một trong những hình thức mang tính cưỡng chế, nếu quy định sẽ vi phạm Công ước mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Hình thức xử phạt trên về bản chất không phải là lao động cưỡng bức, khổ sai mà là hình thức chế tài xử phạt có tác dụng giáo dục người vi phạm thông qua lao động phục vụ cộng đồng. Hơn nữa, như đã nêu ở trên, thế giới cũng có nhiều nước đã, đang áp dụng hình thức xử phạt này. Dù vậy, băn khoăn lớn nhất chính là tính khả thi, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp này trong thực tế, bởi hình thức xử phạt dự kiến này tiềm ẩn một số bất cập.
* Cụ thể là băn khoăn gì, thưa ông?
- Thứ nhất, khó tổ chức thực hiện trong bối cảnh của ta hiện nay. Giả sử anh ở Hà Nội nhưng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ ở TP HCM, nếu buộc người vi phạm ở lại TP. HCM thực hiện chế tài thì gây nhiều khó khăn cho họ. Còn chuyển quyết định xử phạt về Hà Nội để tổ chức thực hiện thì cũng phát sinh nhiều rắc rối, bởi cơ quan nhận trách nhiệm ủy thác phải tổ chức việc thực hiện quyết định xử phạt: quản lý, tổ chức lao động, kiểm tra giám sát, nghiệm thu, đánh giá, xác nhận… Bên cạnh đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra là tìm việc gì (có tính công ích) cho người vi phạm làm trong bối cảnh hầu như hiện nay hầu như đa số các hoạt động công ích đều đã tổ chức dịch vụ thực hiện?, quản lý thế nào?, cơ quan nào xác nhận việc người vi phạm đã hoàn thành lao động vì lợi ích cộng đồng?, sau đó trình tự thủ tục thế nào để xóa việc xử phạt?... Quan trọng nhất là phải xây dựng một trình tự, thủ tục để thực hiện hình thức xử phạt, giám sát, xác nhận, kiểm tra, theo dõi… sẽ gây tốn kém không ít cho xã hội trong khi hiệu quả thực tế là vấn đề cần đặt ra.
Ngoài ra, còn có ý kiến lo ngại, trường hợp ở vùng xa xôi hẻo lánh, tình trạng người có thẩm quyền xử phạt có thể lợi dụng hình thức xử phạt này trong quá trình áp dụng, rất dễ có khả năng dẫn đến xâm phạm quyền con người, quyền công dân và việc giám sát, kiểm tra thường xuyên khó có thể thực hiện. Thực tế liệu có thể xảy ra trường hợp như câu chuyện tiếu lâm, một nhóm người đánh bạc bị phát hiện và từng người bị “phạt” phải đào một 05 cái hố dài 1m, rộng 1m, sâu 1m, tiếp sau đó phải đào một hố thứ hai, lấy đất để lấp đầy hố thứ nhất, thay vì lao động phục vụ cộng đồng bởi không có việc gì “có tính công ích” để làm không?
Trước những băn khoăn như vậy, cơ quan có thẩm quyền cho rằng mục đích của hình thức xử phạt nói trên là tốt, tuy nhiên cân nhắc kỹ về tính khả thi, chi phí tổ chức thực hiện và hiệu quả thực tế khi áp dụng hình thức xử phạt trên không cao nên đề nghị bỏ quy định này trong Dự thảo Luật.
Có thể làm thí điểm
* Còn “số phận” của hình thức xử phạt “Buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm” thì sao ạ?
- Tương tư như vậy, đối với hình thức xử phạt “Buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm” dự kiến quy định tại Dự thảo Luật, tại thời điểm đó, thực tế đã triển khai áp dụng thí điểm việc buộc người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm hành chính với lỗi nặng, bên cạnh việc phạt tiền còn phải tham dự lớp học về pháp luật giao thông do cơ quan xử phạt tổ chức, sau đó kiểm tra nếu đạt yêu cầu thì mới coi là chấp hành xong quyết định xử phạt. Tuy nhiên, thực tế nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả không cao, nặng về hình thức, phiền phức và tốn kém cho người vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền cũng đề nghị tính toán kỹ lưỡng thêm về việc quy định hình thức xử phạt này mặc dù thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng trong các tình huống tương tự.
* Sau nhiều năm thi hành Luật XLVPHC năm 2012, phải chăng đã đến lúc chúng ta tiếp tục nghiên cứu đến 2 hình thức vốn được nhiều nước văn minh áp dụng từ lâu?
- Ngoài một số bất cập như trên, tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay còn có một số vấn đề phải cân nhắc rất kỹ. Về cơ sở pháp lý, muốn áp dụng các hình thức xử phạt này thì Luật XLVPHC phải quy định hình thức trong hệ thống các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Thứ hai, ý kiến đề xuất nêu điều kiện áp dụng chỉ đối với đối tượng đã vi phạm hành chính (cùng loại hành vi) từ 03 lần trở lên thì phải có cơ chế theo dõi và quản lý về xử phạt hành chính liên thông, chặt chẽ, chính xác, rõ ràng mới có thể thực hiện được. Phải theo dõi được việc vi phạm hành chính của cá nhân công dân trên toàn quốc, phải lưu dữ liệu và cơ quan có thẩm quyền có thể khai thác dữ liệu đó để nắm và theo dõi, cập nhật được tình hình vi phạm pháp luật hành chính của công dân. Trong trường hợp cá nhân cụ thể nào đó đã vi phạm mà chưa được xóa (thông thường trong thời gian một năm) mà lại thực hiện vi phạm hành vi cùng lĩnh vực mới được tính là tái phạm vi phạm hành chính...
Tôi cho rằng, ý kiến đề xuất trên rất đáng trân trọng, nhưng trong điều kiện hiện nay, để thực hiện được đề xuất này cần đáp ứng nhiều điều kiện khác. Các nhà làm luật, các cơ quan hữu quan trong đề xuất chính sách pháp lý phải tính toán kỹ trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Cơ bản nhất là phải cân đối với các hình thức xử phạt khác cho hài hòa, thậm chí nếu cần thiết phải tính toán tổ chức làm thí điểm để rút kinh nghiệm sau đó mới nhân rộng.
* Xin cảm ơn ông!
H.Thư (thực hiện)