Sáng 22/12, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính (THAHC) ở Việt Nam”. Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS; bà Tsukabe Tekako, Cố vấn trưởng Dự án JICA đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS nêu rõ, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là sản phẩm của quá trình tố tụng hành chính tại Tòa án, cần phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã được thực hiện từ khi có Tòa án hành chính ở nước ta, theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996. Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, thay thế Luật TTHC năm 2010, trong đó dành riêng một Chương quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Ông Lực khẳng định, những văn bản pháp luật trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THAHC ở nước ta trong những năm qua. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, công tác THAHC hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật đối với việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Trong bối cảnh Đảng ta chủ trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều cuộc khảo sát, trao đổi thảo luận trong các cơ quan Nhà nước cũng như giới chuyên gia về việc cần có một Luật THAHC riêng bên cạnh Luật TTHC để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ với các Luật khác, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho công tác THAHC. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá khái quát các thuận lợi khó khăn đồng thời tổng hợp giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả THAHC ở nước ta, tạo cơ sở định hướng xây dựng Luật THAHC.
|
|
Bà Tsukabe Tekako, Cố vấn trưởng Dự án JICA cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2020, Dự án sẽ tập trung hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc lập các nội dung liên quan đến soạn thảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả các văn bản quy định pháp luật được ban hành. Bà nhấn mạnh, Luật được ban hành mà không được thi hành và áp dụng hiệu quả thì không thể phát huy đầy đủ các tác dụng. Do đó, thông qua Hội thảo này, các chuyên gia Nhật Bản mong muốn được lắng nghe các ý kiến, trao đổi để nắm rõ hơn thực trạng ở Việt Nam từ đó chia sẻ các kinh nghiệm cho phù hợp.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện hành và tình hình thực thi các quy định pháp luật về THAHC ở nước ta hiện nay, bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS đề xuất, từ nay đến năm 2020 cần thiết xây dựng Luật THAHC trên cơ sở hệ thống hóa những quy định hiện hành về THAHC ở Việt Nam. Theo đó, Luật này sẽ có những nội dung cơ bản gồm: quy định chung; thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC; xử lý trách nhiệm trong THAHC; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong thi hành án.
Cùng với đó, nội dung Luật THAHC cần có sự thay đổi cơ bản về cơ quan tổ chức THAHC là giữ nguyên quy định về thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC của Tòa án, nghiên cứu quy định về cơ quan thứ ba có trách nhiệm tổ chức THAHC, tách khỏi cơ quan nhà nước phải thi hành án. Điều này có nghĩa Luật THAHC sẽ bỏ cơ chế “tự thi hành trong THAHC” hiện nay nhằm khắc phục vướng mắc, khó khăn do đặc thù của cơ chế này gây ra.
|
|
Theo đại diện đến từ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC, từ khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực cho đến nay, số lượng vụ án hành chính đã tăng mạnh nhưng so với tình hình khiếu nại hành chính thì số lượng khởi kiện vụ án hành chính còn thấp. Người dân còn gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền khởi kiện và yêu cầu khởi kiện, đặc biệt là việc chứng minh hành vi hành chính trái pháp luật gây ra. Tâm lý “con kiến kiện củ khoai” vẫn còn phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người dân nên họ thường tìm cách thức giải quyết khác hoặc từ bỏ quyền lợi của mình. Mặc dù Luật TTHC năm 2015 đã bổ sung quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP về THAHC nhưng kết quả THAHC còn chậm, chưa đáp ứng được monng mỏi của người dân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các phán quyết của Tòa án.
Do vậy, trước mắt, cần hướng dẫn thống nhất một số quy định còn vướng mắc đồng thời tiếp tục đổi mới nhận thức nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính và hoàn thiện pháp luật TTHC, pháp luật liên quan đến giải quyết các vụ án hành chính, ban hành; tăng cường năng lực xét xử của đội ngũ Thẩm phán hành chính thông qua tập huấn, hội thảo trao đổi nghiệp vụ chuyên đề, nâng cao hiệu quả của công tác THAHC.
Còn đại diện VKSNDTC đánh giá, thực trạng THAHC hiện nay còn rất nhiều khó khăn và vướng mắc, số lượng các bản án, quyết định hành chính liên quan đến trách nhiệm của UBND các cấp chưa được thi hành vẫn còn lớn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do các quy định liên quan đến THAHC mới chỉ ở tầm dưới Luật. Do vậy, thời gian tới, cần tăng cường và nâng cao hơn nữa sự phối hợp, thông tin thường xuyên hơn nữa giữa Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án để kịp thời nắm bắt, tham mưu, đề xuất các hướng xử lý kịp thời.
K.Q