Sáng ngày 12 tháng 12, tại thành phố Hồ Chí Minh, được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý tham gia đối với dự thảo “Đề án một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”. Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL trực tiếp chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức với sự tham dự của đại diện các Sở Tư pháp và các Sở, ban ngành của một số tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Đắk Lắk... và đại diện các Phòng Tư pháp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.
Tại Hội thảo, trên cơ sở hồ sơ tài liệu và nội dung gợi ý cần tập trung thảo luận của Cục QLXLVPHC&TDTHPL nêu ra, các đại biểu tham dự đã nhiệt tình trao đổi, thảo luận sôi nổi về những nội dung cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện đối với dự thảo Đề án, dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương.
Dự thảo Đề án dự kiến đưa ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm: (i) Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; (ii) Hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; (iii) Đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; (iv) Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật; (v) Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (vi) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về thi hành pháp luật; (vii) Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Theo ý kiến của đại diện Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Long An đề xuất cần tăng cường việc giải quyết các kiến nghị trong quá trình thi hành pháp luật, đồng thời xây dựng trang thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị của các cá nhân, tổ chức và có sự liên thông giữa Bộ, ngành khác nhau.
Đại biểu Võ Thị Xuân Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho rằng Đề án cần quy định bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trong nhiệm vụ “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh” vì trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết cũng được nhiều văn bản quy phạm pháp luật giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Đại biểu này cũng đề nghị cần bổ sung giai pháp tăng cường sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Giải pháp tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát trong tổ chức thi hành pháp luật cũng cần thiết phải được nêu rõ ràng cụ thể trong Đề án để bảo đảm tính hiệu quả trong thực thi pháp luật, chú trọng hoạt động phản ứng chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tổ chức thi hành pháp luật.
|
|
Nhiều đại biểu đại diện các cơ quan, địa phương tham dự Hội nghị như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp bà Rịa-Vũng tàu…đã trực tiếp nghe, phát biểu trao đổi, nêu nhiều ý kiến thật sự hữu ích, có giá trị gia tăng chất lượng dự thảo Đề án. Phát biểu Hội nghị, đại diện cho Tổ soạn thảo Đề án, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã có những trao đổi cụ thể, trực tiếp về nội dung các ý kiến góp ý từ các đại biểu, đồng thời khẳng định sẽ ghi nhận, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nêu tại Hội nghị để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Đề án, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2017.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật