Kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

14/10/2017
Tiếp theo Chương trình khảo sát từ ngày 10-12/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường toàn diện (Dự án GIG) tổ chức nghiên cứu tình hình công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế tỉnh Bắc Ninh, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, Đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Dự án GIG và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, qua công tác khảo sát đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc đề từ đó có đề xuất, kiến nghị. Cụ thể như sau:
- Sau các tọa đàm khảo sát phỏng vấn sâu ngày 10/10/2017, ngày 11/10/2017, Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp, Dự án GIG và các chuyên gia pháp lý làm việc với Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh và Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh:
+ Tiếp Đoàn khảo sát, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP. Hồ Chí Minh – Ông Phạm Bình An báo cáo với Đoàn khảo sát về các hoạt động của Trung tâm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hội nhập cam kết quốc tế, năm 2012-2015, Trung tâm được Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh giao chủ trì các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2015 được ban hành theo Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 5/2/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh; trong thời gian qua Trung tâm cũng đã có ý kiến trên 30 văn bản liên quan do các Bộ, ngành và Ủy ban nhân TP. Hồ Chí Minh lấy ý kiến; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tọa đàm đối thoại với doanh nghiệp về hỗ trợ hội nhập WTO và các cam kết quốc tế khác liên quan đến doanh nghiệp; phối hợp Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Hệ thống đối thoại với doanh nghiệp” trên địa bàn thành phố. Qua hoạt động của Trung tâm cho thấy, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay là rất thấp, bên cạnh đó các thủ tục hành chính về thanh, quyết toán và sử dụng kinh phí dành cho công tác này phải thực hiện nhiều công đoạn gây khó khăn về thủ tục hành chính cho đơn vị chủ trì hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và của Trung tâm nói riêng trong thời gian qua, việc giao cho các đơn vị triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các Chương trình hỗ trợ pháp lý cần nghiên cứu chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động. Theo ông Phạm Bình An, trong thời gian tới, việc hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng, Nhà nước với vai trò là cơ quan điều phối, các tổ chức đại diện doanh nghiệp là đơn vị trực tiếp triển khai hoạt động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; Nhà nước cần hỗ trợ pháp lý theo hình thức “chẩn đoán pháp lý doanh nghiệp” tương tự mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” đang triển khai thành công hiện nay ở một số tỉnh; đẩy mạnh thực hiện “Chương trình hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận thị trường”.
+ Làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ban Thường vụ Hiệp hội, Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đã báo cáo với Đoàn khảo sát về những kết quả của Hiệp hội doanh nghiêp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, theo đó, Hiệp hội doanh nghiệp đã chủ động thành lập “Câu lạc bộ pháp lý cho doanh nghiệp”, xây dựng Cẩm nang danh sách luật sư có uy tín để thông tin miễn phí cho doanh nghiệp, tổ chức thường xuyên các tọa đàm, bồi dưỡng và phát hành các tờ rơi nhằm quảng bá hoạt động hỗ trợ pháp lý của Hiệp hội tới các hội viên; tổ chức “Cà phê doanh nghiệp” thường xuyên vào sáng thứ 7 nhằm kết nối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.   
- Ngày 12/10/2017, Đoàn khảo sát tiếp tục làm việc với Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh:
+ Thay mặt Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Hải Nam – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đã báo cáo, trao đổi các nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Đoàn Luật sư. Với 4500 Luật sư, 1450 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các Luật sư đã tích cực trong công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp, Hội doanh nghiệp thành phố trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là việc cho ý kiến tư vấn pháp lý cho các cơ quan chính quyền trong việc giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố, hàng năm Đoàn Luật sư thành phố thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư để trực tiếp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện của Đoàn cho thấy, 8 tháng đầu năm 2017 bên cạnh những Công ty luật lớn doanh thu 100 tỷ thì có khoảng 60% tổ chức hành nghề luật sư gặp khó khăn trong việc tiếp cận với khách hàng, nhiều tổ chức hành nghề không đủ chi phí chi trả mặt bằng, trả lương cho luật sư… đây là con số đáng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, có các giải pháp hoàn thiện cơ chế nhằm phát huy vai trò luật sư trên địa bàn thành phố (trung bình 01 năm các dịch vụ hành nghề luật sư đóng góp cho ngân sách TP.  Hồ Chí Minh khoảng 1.000 tỷ đồng). Ngoài ra, theo báo cáo của Đoàn luật sư hiện có 70 văn phòng luật sư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố, tuy nhiên không chịu sự điều chỉnh, quản lý của Đoàn Luật sư gây khó khăn cho các luật sư trong nước và có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ pháp lý tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung.
 + Kết thúc Chương trình khảo sát, Đoàn đã làm việc tại Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Tư pháp, bà Phan Thị Bình Thuận – Phó Giám đốc trình bày báo cáo với Đoàn khảo sát về tình hình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Sở Tư pháp được Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh giao chủ trì thực hiện, trong đó đã triển khai xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật hoạt động cho doanh nghiệp (đăng tải 4.513 văn bản lên Công báo điện tử của thành phố); xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật (năm 2017 in ấp 30.000 tờ gấp); bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp (15 lớp đào tạo, bồi dưỡng) và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp (trả lời và tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 9 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn). Trên cơ sở đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, bà Phan Thị Bình Thuận trình bày các khó khăn vướng mắc trong cơ chế thực hiện hoạt động này, nhất là tài chính và nhân sự dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đó có các đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm hướng dẫn việc triển khai công tác này trong thời gian tới, nhất là hoàn thiện cơ chế tài chính và có cơ chế bố trí nhân sự từ Trung ương tới địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghệp nhằm tạo “địa chỉ”, “đầu mối” tại Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong công tác này, đưa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp “xứng tầm” hơn, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả khảo sát từ ngày 10-12/10/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi tọa đàm, phỏng vấn sâu và làm việc trực tiếp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn thành phố, các chuyên gia của Đoản khảo sát đã tổng hợp các số liệu, kiến nghị để cùng phối hợp với Dự án GIG hoàn thiện báo cáo để báo cáo lên Bộ Tư pháp về tình hình công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có các kiến nghị để triển khai hiệu quả công tác này trong thời gian tới, nhất là việc triển khai cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (khoản 3 Điều 14).
Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.