Tại cuộc tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận Thông tin (TCTT) năm 2016 diễn ra mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ một kinh nghiệm nhằm đảm bảo thực thi quyền được TCTT là khi chính quyền càng “mở thì yêu cầu cung cấp thông tin từ công dân sẽ càng giảm. Nghị định này là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo Luật TCTT đến được với rộng rãi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường công khai thông tin
Trước khi trình bày các quy định của dự thảo Nghị định, Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Hạnh đã điểm lại những nội dung chính của Luật TCTT. Bà Hạnh cho biết, Luật TCTT đã cụ thể hóa tối đa phạm vi, nội dung quyền TCTT; trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu và công khai thông tin cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc tổ chức thực thi quyền TCTT của công dân.
Bên cạnh đó, Luật đã ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của Luật nên Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành. Theo đó, dự thảo Nghị định nêu rõ công dân Việt Nam có quyền tự do TCTT đối với thông tin được cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin; người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ. Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền TCTT; mẫu phiếu yêu cầu cung cấp thông tin; TCTT qua tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp.
Bà Hạnh chia sẻ, mặc dù điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 nhưng dự thảo Nghị định đã cố gắng tối đa nhất để có thể quy định được các biện pháp bảo đảm quyền TCTT của công dân. Đặc biệt, dự thảo Nghị định nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin kịp thời như người đứng đầu sẽ bố trí cán bộ cung cấp, quyết định số lượng cán bộ nhiều hay ít theo yêu cầu của mỗi cơ quan, địa bàn khác nhau.
Tinh thần của dự thảo Nghị định là liệt kê các biện pháp bảo đảm nhưng theo bà Hạnh, kinh nghiệm cho thấy chính quyền càng mở, càng tăng cường công khai thông tin thì sẽ giảm việc phải thường xuyên nhận yêu cầu cung cấp thông tin từ công dân. Bà Hạnh nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế thì tăng cường công khai thông tin, đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin, đa dạng hóa các biện pháp cung cấp thông tin rộng rãi, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm… sẽ là biện pháp bảo đảm tốt quyền TCTT.
Đề xuất mở rộng đối tượng điều chỉnh
Để Luật TCTT thực sự phát huy hiệu quả, các đại biểu tham dự tọa đàm phân tích, dự thảo Nghị định hiện nay đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ cung cấp thông tin cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đây là những nhóm thường gặp khó khăn nhất trong quá trình tiếp cận với những thông tin, chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định hiện chưa đề cập đến việc liệu người khuyết tật, người nghèo và các đối tượng chính sách có được hỗ trợ hoặc miễn phí trong việc tiếp cận và được cung cấp thông tin hay không? Ngoài ra, dự thảo cũng chỉ mới dừng lại ở việc yêu cầu cơ quan có trách nhiệm “cung cấp thông tin kịp thời” nhưng chưa quy định cụ thể “kịp thời” là bao nhiêu ngày kể từ khi nhận được yêu cầu. Vì vậy, để đảm bảo quyền TCTT của mọi công dân theo quy định của Hiến pháp và Luật, dự thảo Nghị định cần mở rộng sang các nhóm dân khác và bổ sung các quy định để đảm bảo các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin chứ không chỉ dừng lại ở việc “tạo điều kiện” cho họ trong TCTT.
Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về khoản 2 Điều 15 của dự thảo Nghị định bởi theo quy định, việc cung cấp thông tin sẽ chỉ giới hạn ở những thông tin được tạo ra sau ngày 1/7/2018 (ngày Luật TCTT có hiệu lực thi hành). Theo nhiều đại biểu, quy định trên đang đi ngược lại với tinh thần của Luật TCTT khi Luật không có giới hạn phạm vi điều chỉnh là chỉ gồm các thông tin được tạo ra từ sau ngày Luật có hiệu lực, nên đề xuất Nghị định không bổ sung quy định này.
H.Thư