Ngày 21/9/2017, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với USAID tổ chức Hội thảo góp ý đối với những vấn đề lớn của dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” tại thành phố Huế, tỉnh Thừa - Thiên Huế. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành ở Trung ương, Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, một số cơ quan của tỉnh Thừa - Thiên Huế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) nhấn mạnh, xây dựng và tổ chức THPL là nhiệm vụ quan trọng trong tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và THPL là một nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức khác, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức THPL trong tình hình mới ở nước ta hiện nay.
Trình bày tham luận dẫn đề tại Hội thảo, TS. Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã tập trung nêu những vấn đề cơ bản, định hướng lớn trong nội dung Đề án, cũng như phân tích về sự cần thiết của việc xây dựng Đề án và những nội dung quan trọng, hiện vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau để các đại biểu dự Hội thảo trao đổi, thảo luận.
Tham luận về một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng dự thảo Đề án, GS. TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ hơn nữa về nội hàm khái niệm tổ chức thi hành pháp luật, điều này phải đảm bảo gắn chặt với tính thần của Hiến pháp năm 2013. Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Đề án đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cơ bản đồng tình với phần lớn nội dung của dự thảo Đề án, đồng thời cho rằng Đề án nên tập trung vào 03 quan điểm là: i) Hoàn thiện pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật; ii) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; iii) Tổ chức thi hành pháp luật phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.
Tại Hội thảo, TS. Bùi Xuân Phái, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu để làm rõ hơn “điểm nhấn” đột phá trong Đề án. “Tập trung vào việc rà soát hệ thống pháp luật, đảm bảo cho các đề xuất xây dựng pháp luật gắn với các hoạt động phản biện, thẩm định hướng tới sự thống nhất, ổn định…, đặc biệt là hoạt động ban hành các văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết để đảm bảo cho hoạt động thi hành pháp luật được triển khai một cách thuận lợi” - TS Bùi Xuân Phái đề xuất phương hướng xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của Đề án.
Nhìn ở góc độ nghiên cứu của mình, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao quan điểm, các giải pháp của Tổ soạn thảo Đề án. Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Minh Tuấn thì Tổ soạn thảo có thể cân nhắc tiếp nhận nguyên tắc tương xứng (Proportionality) trong tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, cần tuân thủ các bước sau đây: i) Xác định rõ nục đích chính đáng; ii) Sự phù hợp của các công cụ, biện pháp, phương tiện sử dụng với mục đích cần đạt được; iii) Sự cần thiết các công cụ, biện pháp, phương tiện sử dụng nhằm đạt mục đích; iv) Xác định sự cân bằng giữa lợi ích thu được và thiệt hại từ việc hạn chế quyền.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao cách tiếp cận, nội dung chủ yếu của dự thảo Đề án, đồng thời có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, cụ thể. Đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Bình… đã đưa ra ý kiến góp ý rất thực tế, gắn liền thực tiễn thi hành pháp luật ở địa phương trên cơ sở phân tích khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham mưu, quản lý nhà nước. Các đại biểu dự Hội thảo kỳ vọng Đề án được ban hành sẽ là công cụ quan trọng, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc về công tác tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Kết thúc Hội thảo, ông Đặng Thanh Sơn, thay mặt Tổ soạn thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” ghi nhận những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm và nhiều giá trị của các đại biểu dự Hội thảo, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
Cục QLXLVPHC&TDTHPL