Đã hiện thực hóa “vườn ươm” doanh nghiệp khởi nghiệp

12/09/2017
Đã hiện thực hóa “vườn ươm” doanh nghiệp khởi nghiệp
Đây là một kết quả đáng chú ý trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Bộ Công Thương. Kết quả này cùng với các kết quả khác đã được Bộ Công Thương báo cáo với Đoàn công tác liên ngành do ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL) - Bộ Tư pháp dẫn đầu tại buổi kiểm tra tình hình THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trình bày báo cáo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND TP Cần Thơ triển khai tại Cần Thơ. Hoạt động của Vườn ươm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp doanh nghiệp trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến nông nghiệp và cơ khí chế tạo cho nông nghiệp. Về khung khổ pháp lý, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1193/QĐ-TTg về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết những vướng mắc liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu quy định tại Quyết định 1193; phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Ban quản lý Vườn ươm hoàn thiện các quy định về cơ cấu và tổ chức hoạt động của Vườn ươm.
Còn về hỗ trợ doanh nghiệp, Vườn ươm đã xét chọn 5 doanh nghiệp tham gia ươm tạo với các sản phẩm đa dạng như bột cá, máy gieo hạt, chả cá thát lát nhân trứng muối, sữa gạo, bột yến sâm thảo dược. Vườn ươm cũng ký kết hợp tác với 6 trường đại học, cao đẳng để hợp tác nghiên cứu triển khai các đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phù hợp, hỗ trợ khởi nghiệp; thực hiện các khóa đào tạo bổ sung kiến thức chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp cho đối tượng là sinh viên của các trường. “Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hoạt động của Vườn ươm thông qua các hoạt động… sẽ góp phần tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp” – ông Tân kỳ vọng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương rất chú trọng đến hoàn thiện thể chế, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Riêng về tình hình tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, theo ông Tân, qua theo dõi thì nhìn chung được đảm bảo. Các đơn vị thuộc Bộ thường xuyên phối hợp rà soát, hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình THPL, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng.
Bên cạnh đó, ông Tân thừa nhận, việc ban hành kế hoạch và tổ chức theo dõi tình hình THPL về doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công thương còn chậm. Việc thu thập thông tin để đánh giá tình hình THPL của Bộ mới chủ yếu thực hiện qua tổng hợp, báo cáo, kiến nghị của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và doanh nghiệp, hiệp hội hoặc từ hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật, hoạt động tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ liên quan đến hoạt động khởi nghiệp của doanh nghiệp; chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về những vụ việc cụ thể trong quá trình kiểm tra, theo dõi THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…
Đánh giá cao những hoạt động cụ thể mà ngành Công Thương đã triển khai trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các thành viên Đoàn công tác liên ngành đã nêu thêm một số vấn đề cần làm rõ thêm như việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong 4 lĩnh vực trọng tâm (đất đai, vốn, nhân lực, khoa học kỹ thuật) có vướng mắc gì không; công tác triển khai kế hoạch theo dõi tình hình THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp từ Bộ Công Thương đến các địa phương tạo ra hiệu ứng gì… Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cũng hoan nghênh các kết quả đạt được của ngành Công Thương, trong đó nhấn mạnh đến sự kịp thời phản ứng chính sách của Bộ Công Thương với việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh khí, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (Thông tư số 08/2017/TT-BCT đến nay chưa có doanh nghiệp nào phản ánh về khó khăn trong thực hiện)…
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, công tác hoàn thiện thể chế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, điều kiện đảm bảo thực thi… chưa tập trung vào pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì vậy, thời gian “bản lề” còn lại của năm 2017 Bộ Công Thương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của pháp luật doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường chỉ đạo ngành dọc về phương thức, cách thức thực hiện theo dõi THPL; đẩy mạnh phối hợp liên ngành, phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, với địa phương để đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp lên một bước phát triển mới.
Thục Quyên