Ngày 21 tháng 7 năm 2017, trong khuôn khổ Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID (USAID - GIG) Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về “Sổ tay pháp luật một số quyền về nhân thân và tài sản của các nhóm dễ bị tổn thương”.
Thành phần tham dự Hội thảo có có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, các chuyên gia tư vấn của Dự án USAID – GIG và đại diện của các nhóm dễ bị tổn thương, đại diện Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm bảo trợ xã hội, Ban dân tộc, Hội người khuyết tật, Hội người mù, Văn phòng luật sư, Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS, Hội chữ thập đỏ của các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), và một số đại diện thuộc cộng đồng dân tộc ít người, người khuyết tật, người mắc HIV/AIDS, người nghiện ma túy và nhóm LGBTI.
Nội dung của cuốn Sổ tay tập trung vào cung cấp thông tin về các quyền nhân thân và quyền tài sản cơ bản của cá nhân nói chung, của các nhóm dễ bị tổn thương bởi chính sách, thực thi chính sách, định kiến xã hội nói riêng, nhất là những quyền còn chưa được nhận thức đầy đủ hoặc việc tiếp cận, thực hiện quyền còn có những khó khăn trong pháp luật dân sự hiện hành. Cuốn sổ tay cũng cung cấp một số địa chỉ và thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trợ giúp pháp lý miễn phí hoặc thu phí trên toàn quốc.
Về cơ bản, đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá Sổ tay là một công cụ trợ giúp pháp lý đắc lực cho các nhóm dễ bị tổn thương, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân làm công tác hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương ở các cấp có được thông tin đầy đủ hơn, hệ thống hơn về quyền của các chủ thể liên quan.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến về hoàn thiện hơn cuốn Sổ tay như: nội dung cuốn sách cần gọn gàng và súc tích hơn, thiết kế dưới dạng các tệp dành riêng cho từng nhóm dễ bị tổn thương; bổ sung thêm các ví dụ cụ thể và hướng dẫn cụ thể về các thủ tục thực hiện các quyền; bổ sung một số quyền như quyền làm mẹ cho phụ nữ khuyết tật...
Các đại biểu cũng đề nghị sau khi cuốn Sổ tay ra đời cần có thêm các buổi tập huấn và giới thiệu các nội dung tới các nhóm dễ bị tổn thương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài ra để Sổ tay tới đông đảo mọi người, ngoài việc cung cấp file điện tử trên Cồng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, thì đối với nhóm người dân tộc thiểu số, người khiếm thính, người mù thì cần dịch Sổ tay sang các ngôn ngữ phù hợp với họ. Các đại biểu cũng đề nghị cần có cuốn Sổ tay riêng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sẽ phối hợp với các chuyên gia hoàn thiện cuốn Sổ tay để bảo đảm hiệu quả của cuốn Sổ tay trong việc góp phần thay đổi nhận thức, thực hiện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, xác định cuốn Sổ tay chỉ là bước đầu, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế mong rằng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của GIG cũng như các tổ chức có liên quan trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ tiếp theo cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Phòng Pháp luật dân sự - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế