Ngày 26/7, trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (NLD), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển.
Sau 4 năm thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, công tác pháp điển đang dần từng bước được thực hiện bài bản và đi sâu vào chất lượng. Theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg, Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề, mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục và được thực hiện trong 10 năm (2014-2023). Cụ thể, giai đoạn 1 (2014-2017) hoàn thành 8 chủ đề; giai đoạn 2 (2017-2020) hoàn thành 27 chủ đề và giai đoạn 3 (2021 – 2023) hoàn thành 10 chủ đề. Còn Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 6/6/2014 của Thủ tướng phê duyệt danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục thì Bộ pháp điển chứa đựng 265 đề mục thuộc 45 chủ đề trên.
Với tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, một số bộ, ngành đã đưa vào Kế hoạch chung thực hiện pháp điển và hoàn thành trước thời hạn (trước năm 2018) với 96/243 đề mục, nâng tổng số đề mục phải hoàn thành trước năm 2018 lên 118 đề mục. Đến nay, trong 118 đề mục này, có 65 đề mục đã được pháp điển và thẩm định xong và 53 đề mục đang được thực hiện.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hoàng Xuân Hoan cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, việc bố trí nhân sự tại các đơn vị thuộc bộ, ngành làm công tác pháp chế còn hạn chế do công tác pháp điển là việc mới mà không có quy định bố trí thêm biên chế cho các bộ, ngành làm công tác này; quy trình, trình tự thực hiện pháp điển theo đề mục phức tạp gây tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí.
Mặt khác, do nhiều cơ quan, đơn vị cùng có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển, cộng thêm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất phức tạp, nhiều tầng nấc, không thống nhất về kỹ thuật trình bày cũng như soạn thảo văn bản dẫn đến khó bảo đảm chất lượng tốt kết quả pháp điển.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết, theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg, lộ trình xây dựng Bộ pháp điển chia thành 3 giai đoạn và hiện đã cơ bản kết thúc giai đoạn đầu. Trong giai đoạn 2014 – 2017, theo kế hoạch chỉ phải thực hiện pháp điển xong 8 chủ đề nhưng tính đến nay đã hoàn thành được 36 đề mục thuộc 16 chủ đề (trong đó có chủ đề đất đai), chưa kể còn hàng chục đề mục đã ký thẩm định, đang đợi phê duyệt. Vì vậy, với tiến độ này, ông Ba tự tin vào năm 2020 có Bộ pháp điển, về sớm trước 3 năm so với lộ trình đề ra.
Trước câu hỏi tại sao Bộ pháp điển không có giá trị pháp lý mà mới chỉ được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật, ông Ba cho hay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực theo thống kê chưa chính thức vào khoảng 10 nghìn văn bản và không ít văn bản chồng chéo nhau.
“Do văn bản nguồn như vậy khiến chất lượng Bộ pháp điển còn nhiều việc phải làm nên chưa thể đặt vấn đề về giá trị pháp lý của Bộ pháp điển” – ông Ba giải thích và cho biết sau khi về đích sớm vào năm 2020, có thể đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc cao hơn là Quốc hội xem xét về giá trị pháp lý của Bộ pháp điển. “Cần tập trung để đưa Bộ pháp điển vào xã hội sử dụng hiệu quả, nhanh nhất, đến đối tượng cần”, ông Ba nói.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng nghe báo cáo kết quả 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 của Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề đất đai và 35 đề mục; giới thiệu Bộ pháp điển, cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Đồng thời, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất phương hướng triển khai thực hiện pháp điển các đề mục có thời hạn hoàn thành từ nay đến hết năm 2017 và năm 2018.
H.Thư