Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị 2 ngày về công tác pháp chế khu vực phía Bắc năm 2017, tập huấn nghiệp vụ và hoàn thiện pháp luật về công tác pháp chế. Cùng với giao ban công tác pháp chế Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị còn tập trung thảo luận các biện pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế tại tổ chức pháp chế thuộc các Bộ, ngành và các phòng pháp chế thuộc UBND cấp tỉnh.
Báo cáo kết quả công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2017, bà Đỗ Thanh Hương, Trưởng phòng Công tác pháp chế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, Thủ trưởng các Bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước, công tác pháp chế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Hoạt động quản lý nhà nước về công tác pháp chế được quan tâm và đẩy mạnh đã có tác động tích cực. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra một số lĩnh vực về công tác pháp chế được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc (công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính). Một số mặt công tác có kết quả nổi bật như công tác xây dựng pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế Bộ, ngành, doanh nghiệp được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn, tổ chức pháp chế ở Bộ, ngành tiếp tục được duy trì với một lực lượng cán bộ tương đối ổn định. Theo thống kê gần nhất, tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế trên toàn quốc là 6.789 người, với 6.026 người có trình độ đại học trở lên, trong đó, đại học chuyên ngành luật là 2.759 người, chiếm tỷ lệ 45,8%. So với trước khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành, cả nước chỉ có khoảng 2.400 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế (cả chuyên trách và kiêm nhiệm) thì số người làm công tác pháp chế đã tăng hơn 2,8 lần.
|
|
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2017 vẫn còn một số hạn chế như vẫn còn dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình, lùi thời hạn trình, chất lượng một số dự án luật còn chưa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao; chưa khắc phục triệt để tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; một số Bộ, ngành chưa phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra, chưa thường xuyên gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; ở các địa phương, việc kiện toàn tổ chức pháp chế chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP... Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm có các giải pháp khắc phục để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2017 về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, về công tác pháp chế và một số mặt công tác khác.
Bàn về giải pháp hoàn thiện pháp luật về công tác pháp chế, Trưởng Phòng Văn bản pháp quy (Sở Tư pháp TP Hà Nội) Nguyễn Công Anh đề nghị xây dựng, hoàn thiện và thống nhất ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Trung ương liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động của tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn của địa phương. Khắc phục các bất cập, hạn chế của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo hướng tại các thành phố trực thuộc Trung ương cho phép thành lập phòng pháp chế các sở, ngành; tại các tỉnh còn lại thì các sở, ngành bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Về tiêu chuẩn cán bộ pháp chế, ông Công Anh đề nghị giữ như quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với cán bộ pháp chế tại địa phương, ban hành chế độ phụ cấp đối với cán bộ làm công tác pháp chế.
|
|
Trưởng Ban Pháp chế (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) Lê Trọng Tài cũng nhấn mạnh vai trò rất quan trọng và cần thiết của pháp chế đối với một doanh nghiệp, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế. Theo ông Tài, pháp chế muốn hoạt động tốt, hiệu quả cần phải được sự quan tâm của Lãnh đạo doanh nghiệp, tạo điều kiện cho pháp chế tham gia các hoạt động liên quan trong doanh nghiệp, để người làm công tác pháp chế chủ động đưa ra ý kiến pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị. Ngược lại bộ phận pháp chế cần phải thể hiện, hoạt động có hiệu quả, chứng minh bằng các việc làm cụ thể. Đánh giá cao các hoạt động của Bộ Tư pháp đối với công tác pháp chế doanh nghiệp, ông Tài kiến nghị Bộ Tư pháp làm đầu mối chủ trì để tổ chức pháp chế của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác pháp chế; hướng dẫn nghiệp vụ đối với việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế...
Các báo cáo viên cũng đã phổ biến, quán triệt chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; nêu một số vấn đề về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình năm 2017, lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp cho những người làm công tác pháp chế có nhiều thành tích đóng góp cho ngành Tư pháp
H.Thư