Triển khai Quyết định số 587/QĐ-BTP ngày 27/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2017, ngày 19 tháng 7 năm 2017, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phối hợp với Sở Tư pháp Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Tình hình thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại thành phố Đà Nẵng”.
Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đến từ Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng Cục Quản lý đai), đại biểu đến từ các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng....
Về phía Bộ Tư pháp, trong báo cáo dẫn đề Tọa đàm, bà Nguyễn Chi Lan – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm khẳng định, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc triển khai công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, qua theo dõi thi hành pháp luật cho thấy, công tác này trong phạm vi cả nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể là: (1) về tình hình tuân thủ quy định của pháp luật, còn có tình trạng thời hạn đăng ký thế chấp tại một số địa phương, trong một số trường hợp còn bị kéo dài quá 01 ngày làm việc; còn có sai sót, nhầm lẫn trong quy trình đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của cơ quan đăng ký hoặc trong một số trường hợp, cơ quan đăng ký từ chối đăng ký không đúng quy định pháp luật...); (2) về các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật, qua theo dõi cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, số lượng mỏng nên quá tải trong công việc; phần mềm chuyên ngành của ngành địa chính để tiếp nhận, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ, tác nghiệp in Giấy chứng nhận, cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được triển khai đồng bộ tại các địa phương; người yêu cầu đăng ký chưa nắm vững các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm…).
Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, thảo luận sôi nổi và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo phản ánh, pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn thiếu quy định điều chỉnh một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn như: việc kết nối dữ liệu và chia sẻ thông tin về tài sản thế chấp giữa cơ quan đăng ký, cơ quan công chứng, cơ quan thi hành án và toàn án hoặc thiếu cơ chế trao đổi thông tin giữa Văn phòng đăng ký đất đai với Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản về tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Về vấn đề thực thi pháp luật, một số Văn phòng đăng ký đất đai còn từ chối đăng ký đối với trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, hoặc yêu cầu xóa đăng ký đối với hợp đồng thế chấp lần đầu mới cho đăng ký đối với hợp đồng thế chấp tiếp theo trong trường hợp nêu trên…Bên cạnh đó, còn có cách hiểu chưa đúng, chưa thống nhất về đăng ký thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và đăng ký thế chấp tài sản đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận theo quy định của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT/BTP-BTNMT.
Với phản ánh nêu trên, đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và đại diện Sở Tư pháp Đà Nẵng đã kịp thời giải đáp, trả lời những băn khoăn, vướng mắc của đại biểu về cách hiểu, cách áp dụng quy định pháp luật, đồng thời chấn chỉnh những sai sót còn trong tại trong quy trình đăng ký của người yêu cầu đăng ký, cơ quan đăng ký.
Bế mạc Tọa đàm, bà Nguyễn Chi Lan cho rằng, việc tổ chức Tọa đàm nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, theo đó, những thông tin phản ánh tại Tọa đàm từ tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật là cơ sở giúp cho cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ quan, cá nhân còn sai sót trong quá trình đăng ký, từ đó có giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác đăng ký trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Thu Hoài - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm