Nhằm đánh giá thực trạng công tác theo dõi thi hành pháp luật và thảo luận, đề xuất giải pháp đổi mới công tác theo dõi thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng của công tác này, ngày 13/3/2017, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức “Tọa đàm về công tác theo dõi thi hành pháp luật” với sự tham dự của đại diện tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số Sở Tư pháp thuộc các tỉnh phía Bắc. Tọa đàm do ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp và ông KAWANISHI - Cố vấn trưởng của Dự án JICA đồng chủ trì.
Dẫn đề Tọa đàm, TS. Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã phân tích những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác theo dõi thi hành pháp luật thời gian qua. Đồng thời, Báo cáo dẫn đề xác định những định hướng cơ bản và các giải pháp nhằm đổi mới công tác theo dõi thi hành pháp luật thời gian tới. Trình bày tham luận tại Tọa đàm, TS. Dương Thị Thanh Mai - Chuyên viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp với tham luận Một số định hướng lớn trong việc xác định các tiêu chí phục vụ việc đánh giá tình hình thi hành pháp luật đã thể hiện sự đồng tình với việc đổi mới công tác theo dõi thi hành pháp luật trước hết từ việc đổi mới Phương pháp luận - Chuyển từ theo dõi hoạt động, quá trình sang theo dõi, đánh giá theo kết quả của cả “vòng đời” xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Tiếp theo là đổi mới cấu trúc hệ tiêu chí, chuyển từ hệ tiêu chí đánh giá theo từng nội dung, hoạt động THPL sang hệ thống gồm 4 nhóm tiêu chí với các chỉ số đo lường mức đạt được của một hoặc một nhóm mục tiêu cụ thể và mục tiêu tổng quát của chính sách, pháp luật (bao gồm: chỉ số đầu vào, chỉ số đầu ra, chỉ số kết quả, chỉ số ảnh hưởng/tác động). Cuối cùng là đổi mới Khung theo dõi, thi hành pháp luật theo các cấp độ, phạm vi và đổi mới cách thức và trách nhiệm thực hiện theo dõi, đánh giá THPL.
Đa số các đại biểu đều cho rằng, việc đổi mới công tác này là hết sức cần thiết và nhất trí với định hướng đổi mới được đề xuất. TS. Trần Văn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đánh giá công tác theo dõi thi hành pháp luật trong những năm gần đây đã đi vào nền nếp, được thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thiết chế này đã chứng minh về ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và thi hành pháp luật, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Theo TS. Trần Văn Quảng - Đại diện Hội luật gia Việ Nam và đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì công tác theo dõi thi hành pháp luật có ý nghĩa quan trọng, nếu làm tốt thì không chỉ giúp hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, mà còn giúp tăng cường, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của các chủ thể trong đời sống xã hội - Một yêu cầu tất yếu của nhà nước pháp quyền. Ngoài ra, một số đại biểu đã phát biểu ý kiến liên quan đến kinh phí phục vụ cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, vấn đề nhân sự (biên chế) bổ sung cho việc thực hiện theo dõi thi hành pháp luật và việc xây dựng báo cáo chung về công tác này gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn tại các Bộ, ngành, địa phương.
Chiều cùng ngày, Tọa đàm tiếp tục diễn ra với tham luận “Một số vấn đề lý luận nhằm hoàn thiện pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật” của TS. Nguyễn Văn Cương - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp và tham luận “Một số suy nghĩ về cách tiếp cận khi xây dựng tiêu chí theo dõi thi hành pháp luật” của Ths. Đỗ Đình Lương - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Qua tham luận, các tác giả đã khẳng định xu hướng tất yếu phải mạnh dạn đổi mới công tác này theo cách tiếp cận mới, bên cạnh các giải pháp trước mắt, thường xuyên nhằm thu hút sự tham gia đồng bộ của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, phát huy toàn diện giá trị của theo dõi thi hành pháp luật như một công cụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã có sự trao đổi cụ thể về các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật với Chuyên gia Nhật Bản. Qua đó, Chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ hết sức thẳng thắn và bày tỏ sự quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn gửi lời cảm ơn những phát biểu sâu sắc, cụ thể của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các đơn vị tham dự Tọa đàm. Đồng thời, đồng chí Đặng Thanh Sơn khẳng định, trên cơ sở trao đổi của các đại biểu tham dự Tọa đàm, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ ghi nhận để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để cụ thể hóa trong Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật” thời gian tới ở Việt Nam./.
Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL