Bộ Tư pháp và VCCI họp thống nhất triển khai Kế hoạch theo dõi THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

10/03/2017
Bộ Tư pháp và VCCI họp thống nhất triển khai Kế hoạch theo dõi THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2017 (ban hành kèm theo Quyết định số 108/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) chiều ngày 08/3/2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan (gồm Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Báo Pháp luật Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp). Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị khẳng định việc Bộ Tư pháp lựa chọn lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là rất chính xác, kịp thời nhằm phát hiện những “điểm nghẽn” về thể chế, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, bằng những nguồn lực của mình, VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ Nhân dân, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đại diện VCCI cũng lưu ý những vấn đề mà các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn thời gian qua và mong muốn hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan sẽ tập trung xử lý hiệu quả. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL nhấn mạnh cách tiếp cận mới của năm 2017 là Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI đẩy mạnh “phản ứng chính sách”, từ đó kịp thời có ý kiến pháp lý đối với những vấn đề “nóng” mà doanh nghiệp, báo chí phản ánh và đề nghị VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ chú trọng tổng hợp, phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp và dư luận xã hội.
Theo Kế hoạch nêu trên, lĩnh vực trọng tâm, liên ngành được Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn để tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động (sau đây gọi là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp). Kế hoạch xác định 05 nội dung chính cần thực hiện gồm: (1) Xây dựng và ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; (2) Xây dựng và ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; (3) Tổ chức thu thập, xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; (4) Kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và (5) Điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL ghi nhận các ý kiến phát biểu, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ từ phía VCCI và các tổ chức có liên quan để Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2017 góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người thực thi công vụ đối với tiến trình khởi nghiệp của doanh nghiệp ở nước ta. 
Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL