Tổng cục THADS làm việc với Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

27/02/2017
Tổng cục THADS làm việc với Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sáng 25/02, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến giữa Tổng cục THADS với các cơ quan thi hành án 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC).
Nhận thức chưa đầy đủ về công tác THAHC
Chia sẻ một số nội dung về công tác THAHC, Quyền Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3 Nguyễn Thị Hoàng Giang cho biết: Trong các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, người phải thi hành án thường là cơ quan nhà nước trong mối quan hệ với người dân là người được thi hành án, vì vậy, THAHC là công việc hết sức khó khăn, phức tạp nhất là khi cơ quan là người phải thi hành án cố tình không chấp hành án, trong khi pháp luật về THAHC chưa có một cơ chế đủ mạnh và khả thi bảo đảm cho việc thực thi các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trên thực tế. Điều này làm cho công tác theo dõi THAHC của các cơ quan THADS trở nên nhạy cảm, va chạm.
Bà Giang cũng chỉ rõ: nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trong công tác theo dõi THAHC của các cơ quan THADS hiện nay là do nhận thức của phần lớn Thủ trưởng cơ quan THADS về công tác THAHC và trách nhiệm theo dõi THAHC theo Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP còn chưa đầy đủ, dẫn đến việc chỉ đạo không sát hoặc buông lỏng quản lý đối với công tác theo dõi THAHC. Ngoài ra, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự được giao làm nhiệm vụ THAHC còn tương đối hạn chế; Công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS với các cơ quan, đơn vị hữu quan, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đôi khi còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THAHC.

Đồng tình với những nhận định này, ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội cho biết: thời gian qua, Cục rất chú trọng tới việc quán triệt, phổ biến các quy định, nâng cao nhận thức về công tác THAHC cho các cán bộ, công chức; đồng thời Cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện tốt công tác này. Nhờ vậy, công tác THAHC của thành phố đạt bước đầu đi vào nề nếp, được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Số lượng khiếu nại, tố cáo vượt cấp còn nhiều
Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo Nguyễn Thắng Lợi nhận định: công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự những năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng cao. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí yếu kém.

Số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Tổng cục THADS và Bộ Tư pháp còn nhiều. Theo thống kê tại Tổng cục năm 2016 và đầu năm 2017 (tính đến ngày 17/2/2017): Có 49/63 địa bàn có công dân đến Địa điểm tiếp công dân trong năm 2016-2017 để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự. Tổng cục đã tiếp nhận và xử lý 5895 đơn, thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị. Số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, yêu cầu được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp còn nhiều và hầu hết vụ nào người dân cũng bức xúc với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương.
Qua theo dõi, tổng hợp công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, Tổng cục nhận thấy các hạn chế, yếu kém trong công tác này tập trung ở một số địa phương như Tây Ninh, Kiên Giang, Gia Lai, Bình Định, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh. Ở các địa phương này đã xuất hiện tình trạng người đứng đầu có yếu kém về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; có tình trạng nể nang, bao biện cho Chấp hành viên, nhận thức pháp luật để giải quyết việc thi hành án có lúc còn chưa đầy đủ…

Thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết, khiếu nại tố cáo của đơn vị trong thời gian qua, Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Vũ Quốc Doanh đã nêu ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới như: tăng cường công tác kiểm tra để ngăn ngừa dấu hiệu sai phạm, vi phạm của chấp hành viên; xây dựng cơ chế kiểm tra chấp hành viên trước khi đưa tài sản ra bán đấu giá…
Làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị
Kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh: trong giai đoạn hiện nay, công tác THADS đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các Bộ, ngành. Đây là cơ hội lớn để hệ thống THADS hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra và có những bước phát triển trong thời gian tới.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục chủ trương tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong những lĩnh vực còn khó khăn vướng mắc, yếu kém, thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng – Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Cụ thể: trong lĩnh vực THAHC, Tổng cục trưởng yêu cầu các địa phương cần nâng cao nhận thức về công tác này, làm đúng chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định. Cần lưu ý đặc trưng của THAHC là “tự thi hành”, cơ quan THADS tham gia vào quá trình này với vai trò là cơ quan theo dõi THAHC chứ không thực hiện tổ chức thi hành. Nhiệm vụ của cơ quan THADS là qua theo dõi phải xây dựng được bức tranh tổng thể về THAHC, từ đó có những căn cứ đầy đủ, chính xác để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, Tổng cục trưởng yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, không được nể nang khi giải quyết các sai phạm. Đặc biệt, cần phải gắn trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, kể cả người làm công tác quản lý trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo để đánh giá và có biện pháp xử lý phù hợp.