Tiếp tục thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai (ban hành kèm theo Quyết định số 1126/QĐ-BTP ngày 26/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), ngày 06/12/2016, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai tại tỉnh Bình Dương.
Đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của đại diện cấp Vụ thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản QPPL). Tiếp và làm việc với Đoàn công tác liên ngành có đồng chí Đặng Minh Hưng - Ủy viên BCH tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cùng đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành khác có liên quan và một số đơn vị cấp huyện của tỉnh Bình Dương.
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng đầu của cả nước. Toàn tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 10.000ha, trong đó có nhiều khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An… Những điều kiện về kinh tế - xã hội nêu trên đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai của tỉnh. Theo báo cáo, tỉnh Bình Dương đã thu hút 85 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích 3,9 triệum2 sàn nhà ở, đáp ứng cho 240.000 người, tổng vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng. Đến nay, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của Bình Dương đạt trên 761.00m2, đáp ứng cho khoảng 87.000 người. Thực hiện việc cho vay gói 30.000 tỷ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay 1.043 hồ sơ với số tiền 488 tỷ đồng, trong đó, vay mua nhà ở xã hội 387 hồ sơ với số tiền 173 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nhà ở cho người có công, từ năm 1997 đến 2015, toàn tỉnh đã xây dựng 3.731 căn nhà cho người có công với số tiền trên 81 tỷ đồng và sửa chữa 2.157 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nhà ở cho vùng thường xuyên bị thiên tai, từ năm 2011 đến 2014, toàn tỉnh đã hỗ trợ 35 nhà bị đổ, sập, trôi, cháy do thiên tai, bão lũ với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng và 53 căn nhà bị ngập, hư hỏng nặng do thiên tai, bão lũ với tổng kinh phí 87 triệu đồng. Đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bình Dương đạt được, các thành viên trong Đoàn công tác liên ngành đã trao đổi, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của địa phương phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai. Kết luận kiểm tra sơ bộ, đồng chí Đặng Thanh Sơn đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần kịp thời rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền liên quan đến nhà ở xã hội phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản khác có liên quan; nghiên cứu áp dụng các hình thức tuyên truyền, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật về nhà ở phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; chú trọng các giải pháp nhằm tăng cường nguồn nhân lực và kinh phí phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật; bố trí vốn tạm ứng từ ngân sách địa phương phục vụ chính sách về nhà ở…
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác liên ngành đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức Tọa đàm về tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tham dự Tọa đàm có đại diện các gia đình người có công được thụ hưởng chính sách về nhà ở, đại diện Liên đoàn lao động tỉnh; một số công ty xây dựng nhà ở tiêu biểu của tỉnh như: Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex, Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Bình Dương - Biconsi, Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại và Xây dựng Kim Oanh…; đại diện các ngân hàng thương mại; đại diện các Sở, ban, ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý khu công nghiệp VSIP, Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị và các đơn vị cấp huyện của tỉnh. Buổi Tọa đàm diễn ra sôi nổi, chất lượng với nhiều thông tin, nội dung được trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu tham dự với thành viên của Đoàn công tác liên ngành./.
Cục QLXLVPHC&TDTHPL