Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội, trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2

07/10/2016
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội, trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2
Ngày 06/10/2016, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã tổ chức cuộc họp với đại diện Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp để góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13.
Nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, báo cáo Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 2, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát, đánh giá tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13.
Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo - Đồng chí Trần Anh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Báo cáo, đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tập trung trao đổi, thảo luận về phạm vi, nội dung, bố cục của dự thảo Báo cáo. Cụ thể như sau:
Về phạm vi, tất cả các đại biểu đều cho rằng, tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII kỳ họp thứ XI và Quốc hội Khóa XIV kỳ họp thứ 1, số lượng luật, pháp lệnh cũng như văn bản quy định chi tiết không nhiều, do đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ nên báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh theo Nghị quyết số 67/2013/QH13 trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay.   
Về nội dung, bố cục của dự thảo Báo cáo, đa số các đại biểu đều nhất trí với hầu hết các nội dung của dự thảo Báo cáo và nhất trí bố cục Báo cáo thành 04 phần: (i) Chỉ đạo, điều hành; (ii) Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13; (iii) Hạn chế, bất cập và nguyên nhân; (iv) Đánh giá chung và giải pháp, kiến nghị.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nhấn mạnh hơn nữa một số giải pháp, kết quả mà các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, làm rõ hơn nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản. Theo đó:
- Về phần đánh giá chung, các đại biểu đề nghị nhấn mạnh 02 nội dung:
Một là, nhấn mạnh hơn sự quan tâm, nỗ lực của lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã quan tâm, tập trung chỉ đạo sát sao công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban tuần, tháng để quán triệt, đôn đốc công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Qua đó tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết về cơ bản đã được khắc phục so với thời điểm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, 10; chất lượng văn bản đã từng bước được nâng lên phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi và bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế và Việt Nam là thành viên hoặc gia nhập. Khả năng phản ứng chính sách của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được nâng lên đáng kể, những phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghiêm túc nghiên cứu, xử lý, có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Hai là, ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế: Theo đó, mặc dù khối lượng công việc ngày càng phức tạp và nặng nề, số lượng biên chế còn rất khiêm tốn, nhưng trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tham mưu, giúp Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
- Về nguyên nhân, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng nợ đọng văn bản là do những nguyên nhân khách quan như số lượng văn bản quy định chi tiết cần ban hành là rất lớn, trong đó có những nội dung giao quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, liên quan đến các luật, pháp lệnh khác đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, việc đàm phán các Hiệp định, điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa cơ quan chu r trì xây dựng luật, pháp lệnh với cơ quan được giao xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới công tác chuẩn bị và xây dựng văn bản quy định chi tiết gặp nhiều khó khăn về thời gian thực hiện cũng như tư tưởng muốn quy định tại điều khoản giao quy định chi tiết.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cung cấp, cập nhật thêm một số thông tin về tình hình xây dựng, ban hành văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đồng thời góp ý giúp cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý một số lỗi về ngôn ngữ, kỹ thuật để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Chính phủ.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận, đánh giá cao sự tham dự, đóng góp ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo đó, trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại diện Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Tư pháp sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm sớm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, nhất là trong bối cảnh Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13; chủ động chuẩn bị các nội dung có liên quan để các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tham gia giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội./.