Đoàn khảo sát của Bộ Tư Pháp về trợ giúp pháp lý tại Israel và Anh

17/08/2016
Đoàn khảo sát của Bộ Tư Pháp về trợ giúp pháp lý tại Israel và Anh
Thực hiện Quyết định số 1530/QĐ-BTP ngày 15/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập đoàn công tác khảo sát về trợ giúp pháp lý tại Israel và Anh, từ ngày 26/7 đến ngày 03/8/2016, đoàn công tác của Bộ Tư pháp do bà Nguyễn Thị Minh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương mặt trận tổ quốc, một số đơn vị của Bộ Tư pháp đã khảo sát mô hình và hoạt động của hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) tại hai quốc gia nói trên. Đoàn công tác đã làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan (như Cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý ở Trung ương, Văn phòng Luật sư công, các tổ chức phi Chính phủ thực hiện trợ giúp pháp lý, hội đồng luật sư, nhà tù, cơ quan cảnh sát quốc gia…). Trong quá trình trao đổi, học tập kinh nghiệm, đoàn công tác đã thu thập được nhiều thông tin hữu ích về tổ chức cũng như hoạt động của hệ thống trợ giúp pháp lý của Israel và Anh. Đây là những tài liệu tham khảo rất có giá trị trong quá trình hoàn thiện hệ thống trợ giúp pháp lý của Việt Nam nói chung và xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nói riêng.
* Tại Israel, các hoạt động trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và được chia theo lĩnh vực hình sự và dân sự.
Trong lĩnh vực hình sự: Bộ Tư pháp thành lập và quản lý Văn phòng Luật sư công cấp quốc gia và 06 Văn phòng Luật sư công khu vực. Theo Luật Luật sư công năm 1995 các Văn phòng Luật sư công khu vực do Văn phòng Luật sư công cấp quốc gia thành lập, cấp kinh phí hoạt động và tuyển dụng nhân sự để thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự. Các Văn phòng Luật sư công có các Ban chuyên trách thực hiện những nhiệm vụ cụ thể (như Ban vị thành niên, Ban tạm giam, Ban tranh tụng, Ban kết án oan sai, Ban trại giam và tù nhân, Ban luật dân sự, Ban chỉ định luật sư...). Riêng Ban xây dựng chính sách thì chỉ Văn phòng Luật sư công cấp quốc gia mới có.
Theo quy định của pháp luật Israel, trợ giúp pháp lý hình sự được thực hiện trên các nguyên tắc: đảm bảo tính độc lập; vị trí bình đẳng giữa Luật sư công và công tố viên; trung thành với khách hàng; hoạt động vì lợi ích với khách hàng; đại diện hợp pháp; và chịu trách nhiệm cá nhân. Luật sư công là công chức nhà nước, được nhà nước trả lương song vẫn phải chịu tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Các hoạt động trợ giúp pháp lý hình sự được thực hiện từ khi đương sự bị bắt tại các đồn cảnh sát (TGPL tại đồn cảnh sát không yêu cầu người bị bắt xuất trình tài liệu chứng minh thuôc đối tượng được TGPL), tại nhà tù và qua các cấp xét xử tòa án, bao gồm tư vấn cho người bị tạm giam, tạm giữ trong quá trình điều tra (dịch vụ được cung cấp 24h/24h và trong tất cả các ngày từ thứ 2 đến chủ nhật), tham gia các phiên tòa, đại diện pháp lý cho bị can, bị cáo trong quá trình xét xử, hỗ trợ kháng cáo và thực hiện các thủ tục sau xét xử, đại diện pháp lý trong thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình tố tụng (đơn xin giảm án...). Trợ giúp pháp lý được thực hiện thường xuyên đối với các tù nhân. Hàng tuần, Luật sư công được vào nhà tù 2 lần một tuần để trợ giúp pháp lý cho tù nhân, và được quyền kiểm tra xem các tù nhân có được đối xử đúng theo quy định của pháp luật hay không. Các tù nhân cũng được gửi yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua các nhân viên hoạt động xã hội làm việc trong các nhà tù.
Người dân có thể được nhận trợ giúp pháp lý về hình sự khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: có khả năng bị phạt tù, trẻ vị thành niên, người khuyết tật, người có vấn đề về tâm thần, người có khó khăn về điều kiện tài chính Các hoạt động trợ giúp pháp lý hình sự được thực hiện bởi các Luật sư công và các luật sư tư ký hợp đồng với Văn phòng Luật sư công. Tuy nhiên, số lượng luật sư công ở Israel không nhiều, chỉ khoảng 120 Luật sư công. Do đó, các luật sư công chỉ thực hiện trợ giúp pháp lý cho một số vụ việc, còn lại thực hiện vai trò chỉ định và giám sát các luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý. Số lượng luật sư tư tham gia trợ giúp pháp lý lớn hơn nhiều so với luật sư công. Mỗi năm thông thường có khoảng 900 luật sư tư ký các hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Văn phòng Luật sư công. Những luật sư này có thể được trả lương theo tháng hoặc trả thù lao theo từng vụ việc. Trong giai đoạn 2004-2015, số lượng vụ việc tố tụng đã tăng lên khoảng 200% (năm 2004 thực hiện được 63.589 vụ việc tố tụng, năm 2015 thực hiện được 113.010 vụ việc tố tụng).
Trong lĩnh vực dân sự: Hoạt động trợ giúp pháp lý dân sự được thực hiện dựa trên Luật trợ giúp pháp lý được ban hành vào năm 1972 và Quy chế trợ giúp pháp lý năm 1973.  Bộ Tư pháp thành lập Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp để quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự. Bên cạnh chức năng chính là thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý còn có thể thực hiện các dịch vụ bảo vệ khách hàng tương tự như các công ty/văn phòng luật sư. Để thực hiện chức năng trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý có các nhiệm vụ xây dựng các chính sách về trợ giúp pháp lý và quyết định xét duyệt đơn xin trợ giúp pháp lý của người dân. Cục Trợ giúp pháp lý đứng đầu là Cục trưởng và các phòng, ban Cục Trợ giúp pháp lý thành lập 6 Văn phòng trợ giúp pháp lý ở 6 khu vực khác nhau để trực tiếp thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý. Từ năm 1995 đến 2015, số lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý đã tăng 350% (năm 1995 có 20.141 vụ việc, con số này trong năm 2015 là 73.908). Trợ giúp pháp lý dân sự mỗi năm trung bình đại diện cho 200.000 vụ kiện, ngân sách sử dụng khoảng 130.000.000 tiền Israel (tương đương 40 triệu đô la Mỹ). Hệ thống trợ giúp pháp lý dân sự ở Israel có khoảng 250 nhân viên (trong đó có khoảng hơn 100 luật sư) và 1.100 luật sư được thuê thông qua hình thức ký hợp đồng với cơ quan trợ giúp pháp lý.
Hoạt động trợ giúp pháp lý dân sự được cung cấp cho những người có nhu cầu và không có khả năng tài chính để chi trả cho các dịch vụ pháp lý được xác định trong luật. Các tiêu chí sẽ được cân nhắc khi xác định một người có được nhận trợ giúp pháp lý dân sự hay không bao gồm: (i) nơi cư trú; (ii) nội dung yêu cầu TGPL, có cơ sở pháp lý vững chắc (khả năng thắng kiện); (iii) khả năng tài chính (kiểm tra về thu nhập và tài sản); (iv) khả năng thắng kiện.
 Hoạt động trợ giúp pháp lý dân sự cũng được thực hiện bởi luật sư công và các luật sư ký hợp đồng với cơ quan trợ giúp pháp lý. Văn phòng trợ giúp pháp lý khu vực ký hợp đồng với luật sư tư để thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý dân sự. Hoạt động trợ giúp pháp lý của các luật sư tư được giám sát và đánh giá bởi các luật sư của Văn phòng luật sư công một cách thường xuyên, để đảm bảo chất lượng trợ giúp pháp lý. Các luật sư tư được trả thù lao và được trả thêm một số chi phí hành chính khác như photo tài liệu, công tác phí.
* Tại Anh
Hệ thống trợ giúp pháp lý ở Anh hình thành từ khá lâu và tương đối phức tạp. Các quy định về trợ giúp pháp lý hiện nay chỉ được áp dụng tại Anh và Xứ Wales. Bắc Ailen và Scotland có hệ thống trợ giúp pháp lý riêng. Năm 2015, hệ thống trợ giúp pháp lý tại quốc gia này cung cấp dịch vụ cho khoảng hơn 2.000.000 người và sử dụng khoảng 1.600.000 bảng Anh (tương đương 45 nghìn tỷ tiền Việt Nam, trong đó hầu hết là để chi trả cho các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý). Do chính sách thắt chặt chi tiêu chung của Chính phủ Anh, kinh phí dành cho các hoạt động trợ giúp pháp lý cũng đang có xu hướng giảm dần (trước năm 2005 (2001 đến 2005), kinh phí chi cho TGPL ở Anh là 2,5 triệu bảng Anh mỗi năm ((tương đương 75 nghìn tỷ/năm). Mô hình trợ giúp pháp lý ở Anh được tổ chức theo ngành dọc. Cơ quan trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp – LAA (được thành lập ngày 01/4/2013 trên cơ sở giải thể Uỷ ban trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2012) có chức năng điều phối hoạt động trợ giúp pháp lý tại nước Anh và Xứ Wales, theo dõi việc thực thi những điều khoản trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2012 cũng như các chính sách, chiến lược do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành. Các nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp bao gồm: xử lý đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và thanh toán tiền cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; xử lý và quản lý hợp đồng trợ giúp pháp lý; cung cấp dịch vụ pháp lý. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý chỉ chiếm 1%, 99% số lượng vụ việc TGPL là do luật sư tư thực hiện.

Cơ quan trợ giúp pháp lý có 1.450 nhân viên (trong đó chỉ có 70 luật sư công), do Bộ Tư pháp tuyển dụng, trả lương. 70 luật sư công này mới được tuyển dụng mấy năm gần đây do luật sư tư đình công, không thực hiện dịch vụ TGPL do vậy Luật TGPL đã phải thay đổi bổ sung, cho phép Bộ Tư pháp thuê luật sư công để thực hiện TGPL. Cũng tương tự như ở Israel, tại Anh, hoạt động trợ giúp pháp được thực hiện bởi Luật sư công và Luật sư tư. Cơ quan trợ giúp pháp lý ký hợp đồng với các công ty/hãng luật tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ để thực hiện trợ giúp pháp lý Các công ty, tổ chức được lựa chọn thực hiện trợ giúp pháp lý phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định liên quan đến chất lượng cung cấp dịch vụ, kinh nghiệm tranh tụng và cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
 
Đoàn công tác Israel – Anh