Ngày 26/7, tại Hà Nội, Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm: “Pháp luật Việt Nam hiện hành đối với tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam”. Tọa đàm đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và đánh giá cao của đông đảo Bộ, ngành và doanh nghiệp.
Tọa đàm có sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội cùng một số ngân hàng thương mại...
Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng nhau thảo luận các vấn đề tổng quan về tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo, lịch sử hình thành, phát triển; Khái niệm tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo, bản chất pháp lý - vướng mắc, khung pháp lý điều chỉnh…; Kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Canada về thực trạng, quy định pháp luật, biện pháp quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo của Mỹ và Canada và các vụ việc liên quan; Kinh nghiệm của một số nước Châu Âu về thực trạng, quy định pháp luật, biện pháp quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo; Thực trạng giao dịch điện tử liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo...
Kết thúc Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định pháp luật Việt Nam còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh cụ thể về tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo dẫn đến một số hệ quả là: (1) Công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn do các giao dịch, thanh toán tiền ảo chủ yếu thực hiện qua mạng internet, không thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng nên khó kiểm soát; (2) Gây thất thu ngân sách nhà nước, gia tăng các hoạt động bất hợp pháp do các giao dịch bằng tiền ảo không minh bạch, rõ ràng, khó theo dõi, truy xuất nguồn gốc nên tiền ảo dễ trở thành công cụ cho các hoạt động rửa tiền, trốn thuế, hối lộ, mua bán vũ khí…; (3) Nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính - tiền tệ; (4) Nguy cơ nhiều người tham gia đầu tư sẽ bị lừa đảo mất tiền, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, xã hội…Do đó, việc sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là cần thiết để đảm bảo có đầy đủ khung pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại hình tội phạm lợi dụng tiền ảo để trục lợi, trốn thuế, rửa tiền…, bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư và giữ vững trật tự, an ninh xã hội.