Pháp luật về hội của Đức và những gợi ý cho việc xây dựng một luật về hội ở Việt Nam

12/04/2016
Pháp luật về hội của Đức và những gợi ý cho việc xây dựng một luật về hội ở Việt Nam
Tiếp tục Tuần lễ pháp luật Việt – Đức lần thứ 8, ngày 6/4, Viện FES phối hợp cùng Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: Pháp luật về hội của Đức và những gợi ý cho việc xây dựng một luật về hội ở Việt Nam. Hội thảo do TS. Trương Quang Vinh – Phó hiệu trưởng và Ông Erwin Schweisshelm – Trưởng Đại diện Viện FES tại Việt Nam đồng chủ trì.
Hội thảo tập trung bàn luận về 3 nội dung lớn: 1) Giới thiệu những vấn đề về hội và pháp luật về hội tại CHLB Đức; 2) Quá trình phát triển của hội của Việt Nam; pháp luật về hội của Việt Nam và những so sánh với chuẩn mực quốc tế; 3) Những góp ý cho việc xây dựng Luật về hội ở Việt Nam gắn với kinh nghiệm của CHLB Đức trong bối cảnh hiện nay.
Các chuyên gia  khẳng định, việc đảm bảo cho hội phát triển là hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với mọi đối tượng trong xã hội đồng thời giúp Nhà nước nhanh chóng phát hiện được những bất cập tại cộng đồng; đặc biệt trong bối cảnh xã hội gia tăng những phức tạp, các hội - bộ phận của xã hội dân sự/xã hội công dân sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những sáng kiến cải tổ và nâng cao chất lượng quản lý xã hội của Nhà nước. Về mặt pháp lý, pháp luật về hội của CHLB Đức được ghi nhận từ rất sớm, từ thế kỉ XVIII, trải qua nhiều bước thăng trầm, hiện vấn đề này được ghi nhận tại Hiến pháp và được điều chỉnh tại nhiều văn bản, trong đó trực tiếp nhất là Bộ luật dân sự và Luật về Hội... Các quy định cụ thể về hội của BLDS và Luật về hội CHLB Đức cũng được các chuyên gia giới thiệu, phân tích và bình luận tại hội thảo. Nhìn chung, tại CHLB Đức các hội được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động một cách tích cực, tự chủ và chủ yếu quản lý theo cơ chế ghi nhận mà rất ít những can thiệp hành chính.
Tại Việt Nam, hội cũng được hình thành từ rất lâu trong lịch sử và được Nhà nước quan tâm ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản luật. Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, trong bối cảnh ngày càng gia tăng số lượng hội với nhiều hình thức đa dạng như: các tổ chức quần chúng; các hội nghề nghiệp và các tổ chức bảo trợ; các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức tại cộng đồng với rất nhiều tên gọi, mục đích hoạt động khác nhau... trong khi pháp luật về hội của Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, việc ban hành Luật mới về hội thay thế cho Luật quy định về lập hội năm 1957 để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cũng như phù hợp với quy định của Hiến pháp và các chuẩn mực quốc tế là hết sức cần thiết.
Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Ngọc Lâm – Chủ tịch trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững đưa ra nhiều số liệu thiết thực về tình hình phát triển, hoạt động của các Hội tại Việt Nam hiện nay. Cùng chung nhận xét quy định pháp luật và thực thi văn bản pháp luật về tổ chức, hoạt động của hội còn nhiều bất cập, ông đã đưa ra nhiều đề xuất nghiên cứu khi xây dựng luật về hội như: thủ tục thành lập hội theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện; có chính sách khuyến khích hội tham gia cung ứng dịch vụ xã hội; việc quản lý nhà nước đối với hội cần thống nhất... PGS.TS. Vũ Công Giao – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra ý kiến, tự do hiệp hội là quyền dân sự, do đó cần tối thiểu hoá các thủ tục hành chính đối với việc cho phép thành lập và hoạt động của hội; tôn trọng quyền tử chủ của hội; xây dựng pháp luật về hội theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn luật nhân quyền quốc tế và xu hướng trên thế giới... Trên cơ sở những định hướng chung, GS.TS. Thái Vĩnh Thắng – Trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa nhiều kiến nghị cụ thể đối với Dự thảo Luật về hội như: ngắn gọn cấu trúc luật (chỉ nên bao gồm khoảng 15 điều luật so với 37 điều như Dự thảo hiện nay); đơn giản hoá thủ tục thành lập hội, theo đó hội gửi tờ khai cho UBND hoặc Bộ Nội vụ căn cứu vào phạm vi hoạt động thay vì gửi tờ khai cho các bộ; đưa ra định nghĩa về hội; nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của hội; vấn đề tài chính của hội...
Với một ngày làm việc tích cực, sôi nổi, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra được nhiều ý kiến góp ý thiết thực cho Dự thảo luật về Hội. Cùng với đó, Hội thảo tiếp tục đánh dấu sự thành công của Tuần lễ pháp luật Việt – Đức lần thứ 8 cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Trường Đại học Hà Nội và Viện FES tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
 Quỳnh Hoa