Hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học pháp lý đánh dấu nhiều đổi mới

12/01/2016
 Hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học pháp lý đánh dấu nhiều đổi mới
Sáng nay -12/01, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2016. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đến dự và chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho biết, giai đoạn 2011-2015, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự hợp tác, ủng hộ của các đơn vị thuộc Bộ, công tác nghiên cứu và quản lý khoa học pháp lý đã có nhiều bước tiến đổi mới. Viện Khoa học pháp lý đã triển khai 54/114 nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước và cấp bộ, trong đó có 02 nhiệm vụ cấp nhà nước, 34 nhiệm vụ cấp bộ, 09 nhiệm vụ điều tra cơ bản và 09 nhiệm vụ môi trường.

Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, tổ chức triển khai hiệu quả các định hướng chiến lược, chương trình lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Các mặt công tác khác của Viện như quản lý khoa học, hoạt động của Hội đồng khoa học, thẩm định góp ý văn bản, thông tin – thư viện, cơ sở dữ liệu… cũng có nhiều khởi sắc.

Hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý góp phần xây dựng và tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, Nghị quyết 48-NQ/TW, 49-NQ/TW

Đây là nhiệm vụ lớn, trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, do vậy công tác nghiên cứu khoa học pháp lý đã tập trung đóng góp và giải quyết một số vấn đề lớn như: nghiên cứu, đánh giá, tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, nghiên cứu so sánh hiến pháp các nước trên thế giới; triển khai Hiến pháp mới 2013 với một loạt các nhiệm vụ liên quan đến thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước…

Trong thời gian qua, Viện đã được giao chủ trì tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW vào năm 2010 và phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết. Mặc dù trong 05 năm qua không có một Chương trình, nhiệm vụ cấp nhà nước nào về lĩnh vực này được thực hiện, nhưng Viện đã triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ góp phần làm rõ, phân tích sâu sắc những vấn đề lý luận được nêu trong Nghị quyết 48-NQ/TW. Đối với Nghị quyết 49-NQ/TW, Viện đã chủ trì giúp Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ tổ chức sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết 49-NQ/TW, tổng kết công tác tư pháp của Bộ Tư pháp giai đoạn 2010-2015 và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Góp phần tích cực phục vụ xây dựng các dự án Luật, Chính sách, Chương trình lớn

Trong giai đoạn 2011-2015, Viện đã chủ trì triển khai đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ để phục vụ xây dựng các dự án Luật lớn như: Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần cung cấp các luận cứ lý luận và thực tiễn cho việc sửa đổi một số chế định cơ bản của các dự án luật và hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nghiên cứu khoa học pháp lý cũng góp phần phục vụ triển khai thí điểm Thừa pháp lại. Việc nghiên cứu, khảo sát đánh giá tác động kinh tế - xã hội tại một số tỉnh/thành phố đã đưa ra những dự báo xu hướng và khả năng phát triển bền vững của mô hình Thừa phát lại, cũng như mô hình tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Kết quả nghiên cứu, khảo sát đã đưa ra được những đề xuất, kiến nghị về chính sách, thể chế, điều kiện bảo đảm triển khai chế định Thừa phát lại sau khi kết thúc thí điểm. Viện cũng đã góp phần tích cực trong nghiên cứu phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2035, xây dựng Đề án Đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025…

Hoạt động quản lý khoa học có nhiều khởi sắc

Trong giai đoạn 2011-2015, hoạt động quản lý khoa học có nhiều khởi sắc, ngày càng được chuyên môn hóa, tổ chức bài bản và khoa học. Năm 2015 đã đánh dấu nhiều bước đổi mới kịp thời, khoa học trong cách thức xác định nhiệm vụ khoa học, tuyển chọn, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học theo hướng phù hợp với Luật khoa học và công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xem xét đề xuất nhiệm vụ khoa học theo các tiêu chí xác định trên cơ sở căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành; đánh giá về tính cấp thiết, mục tiêu, nội dung nghiên cứu và ứng dụng của từng nhiệm vụ; phân loại các nhiệm vụ theo các thứ tự ưu tiên…

Bên cạnh đó, với chức năng quản lý nhà nước về khoa học, trong năm 2015, Viện đã chủ động tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, trao đổi, thảo luận với Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp về phương pháp, cách thức, kỹ năng và bước đi trong công tác quản lý khoa học giúp cho Trường và Học viện nắm bắt kịp thời các văn bản hướng dẫn và kinh nghiệm trong công tác quản lý khoa học góp phần nâng cao tính thống nhất và hiệu quả trong công tác quản lý khoa học.

Tại Hội nghị, nhiều đại diện đến từ các đơn vị thuộc Bộ đã chúc mừng và bày tỏ quan điểm nhất trí với những kết quả đã được của Viện, đồng thời góp ý một số vấn đề như: cần mở rộng hợp tác quốc tế, trong nghiên cứu và quản lý khoa học; mở rộng nghiên cứu khoa học phục vụ lĩnh vực đào tạo; hoạt động lý luận phải gắn liền với thực tiễn hoạt động của Bộ, ngành; đổi mới cách thức nghiên cứu gắn với chuyển hướng hoạt động trọng tâm của Bộ, ngành; công tác nghiên cứu khoa học phục vụ định hướng xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và hội nhập quốc tế (Cộng đồng ASEAN, TPP)…

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Viện Khoa học pháp lý đã đạt được trong những năm qua. Điểm lại những thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế và đề nghị Viện cần lưu ý một số vấn đề sau: chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học cho cả nhiệm kỳ và chú trọng đến tính dự báo; tham mưu xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học, thu hút và tạo phong trào nghiên cứu khoa học; xây dựng Đề án đổi mới toàn diện Viện thành Viện Chiến lược. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý việc phải hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Tư pháp để trình vào Quý II/2016; bên cạnh đó chú ý phát huy vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng khoa học Bộ; hoàn thiện thể chế nghiên cứu khoa học; đổi mới cơ chế quản lý khoa học; thực hiện Quyết định mới của Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Viện…

                                                       Hoàng Vy Anh