Triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 04 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng TP Hồ Chí Minh

29/12/2015
Triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 04 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng TP Hồ Chí Minh
Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch, đảm bảo đồng bộ với các quy định của Luật Căn cước công dân có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016, đặc biệt là việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ được khai sinh từ ngày 01/01/2016, sáng ngày 29/12, Bộ Tư phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trên địa bàn 04 thành phố trực thuộc trung ương bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trung tâm (trụ sở Viettel ICT, Hà Nội) có ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp. Về phía các điểm cầu tại 04 thành phố (82 điểm cầu tại 82 quận/huyện/thị xã), có sự tham dự của bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cùng đông đảo các cán bộ tư pháp hộ tịch cấp huyện và cấp xã.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp vui mừng thông báo “Hiện nay, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật trong lĩnh vực Hộ tịch bao gồm 01 Luật, 01 Nghị định và 01 Thông tư. Trong đó, Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ sẽ cùng có hiệu lực kể từ 01/01/2016 và Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp sẽ có hiệu lực từ 02/01/2016, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, thi hành Luật Hộ tịch trên toàn quốc”.

Cũng theo ông Khanh, kể từ ngày 02/01/2016 tới đây khi Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp ban hành ngày 16/11/2015 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có hiệu lực, toàn quốc sẽ chính thức đưa vào áp dụng các biểu mẫu, sổ bộ hộ tịch mới. Do đó, để đảm bảo việc thi hành một cách đồng bộ các quy định của pháp luật về Hộ tịch và Căn cước công dân, đồng thời, căn cứ trên điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin tại cấp huyện và cấp xã của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, kể từ ngày 01/01/2016, Bộ Tư pháp triển khai phần mềm đăng ký khai sinh trước tiên cho Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã của 04 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, từ ngày 01/01/2016, các cán bộ tư pháp hộ tịch cấp huyện và cấp xã tại 04 thành phố này có trách nhiệm cập nhật đầy đủ và chính xác thông tin đăng ký của người được đăng ký khai sinh vào phần mềm đăng ký khai sinh để lấy số định danh cá nhân (do Bộ Công an cấp) và in giấy khai sinh, trích lục khai sinh (bản sao) theo mẫu mới.

Việc Bộ Tư pháp triển khai đưa vào sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh không những đảm bảo thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch nói chung và khai sinh nói riêng trên toàn quốc bao gồm Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao ở trung ương, Sở Tư pháp cấp tỉnh và Phòng Tư pháp cấp huyện có thể theo dõi được toàn bộ quá trình quản lý, đăng ký thông tin khai sinh của các cơ quan trực tiếp thực hiện đăng ký khai sinh (Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trên toàn quốc và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) cũng như thực hiện tra cứu chéo, đảm bảo không xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.

Phần mềm đăng ký khai sinh được triển khai dịp này là một phân hệ của Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch mà Bộ Tư pháp sẽ triển khai cho tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc theo lộ trình 03 giai đoạn của Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt và ban hành theo Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015, cụ thể:

- Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2015 – 6/2017): Xây dựng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch chuẩn dùng chung tại các cơ quan đăng ký hộ tịch; thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch điện tử từ Trung ương đến địa phương (cả 4 cấp); thí điểm cài đặt, sử dụng phần mềm chuẩn dùng chung, thiết lập Hệ thống thông tin hộ tịch điện tử tại một số địa phương.

- Giai đoạn 2 (dự kiến từ 7/2017 – 31/12/2019): Hoàn thiện phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch theo tiêu chuẩn dùng chung, vận hành Hệ thống thông tin hộ tịch điện tử thống nhất trên toàn quốc; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Hiện đại hóa phương thức đăng ký, cấp các giấy tờ hộ tịch; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký hộ tịch trực tuyến (cấp độ 3, 4); tiến hành cải cách mạnh thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch điện tử trên thực tế.

- Giai đoạn 3 (dự kiến từ 01/01/2020 trở đi): Củng cố, hoàn thiện, vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Hệ thống thông tin hộ tịch điện tử thống nhất trên toàn quốc và các cơ quan đại diện; bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng an toàn, hiệu quả.

Sau khi ông Khanh giới thiệu và quán triệt những điểm mới trong pháp luật về hộ tịch, những nhiệm vụ cơ bản cán bộ hộ tịch các cấp phải thực hiện đối với hoạt động đăng ký khai sinh kể từ thời điểm 01/01/2016 đồng thời quán triệt chủ trương đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch nói chung và hoạt động khai sinh nói riêng các đại biểu đã được nghe đại diện của Cục Công nghệ thông tin giới thiệu, hướng dẫn sử dụng, khai thác phần mềm khai sinh điện tử phục vụ việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân kể từ ngày 01/01/2016.

Nhìn chung các đại biểu tham dự đều nhất trí việc đưa vào sử dụng phần mềm là rất cần thiết, đồng thời đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch.

Dự kiến trong thời gian sớm nhất tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tới 100% Ủy ban nhân dân cấp xã của 59 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương còn lại.

M.Dung