Năm 2015, kinh tế - xã hội Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phục hồi nhưng chưa bền vững với tốc độ tăng trưởng giữa các khu vực ngày càng khác biệt. Hầu hết các nền kinh tế mới nổi được hưởng lợi từ giá dầu giảm, thanh khoản toàn cầu tăng và sự tăng tốc của nền kinh tế Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, các nền kinh tế hàng đầu khác tăng trưởng chậm và tiếp tục đối mặt với những khó khăn đáng kể do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như số việc làm giảm. Ở trong nước, các chính sách ban hành trong lĩnh vực kinh tế trong năm 2014 và năm 2015 đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cả nước tận dụng cơ hội thuận lợi trong và ngoài nước, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Quốc hội và Chính phủ, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Để góp phần hoàn thiện và triển khai các lĩnh vực pháp luật, trong đó đặc biệt và pháp luật về dân sự, kinh tế, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và Chương trình, Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2015 của Bộ Tư pháp trong đó có Quyết định số 242/QĐ-BTP ngày 02 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về công tác chủ trì xây dựng Đề án, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự, kinh tế:
Là đơn vị có chức năng xây dựng pháp luật của Bộ, Vụ luôn xác định việc xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao, trong năm 2015, tính đến ngày 30/11/2015, Vụ đã trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo Bộ thực hiện các nhiệm vụ chính như: xây dựng Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015; triển khai xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại; Đề án giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Quyết định số 1962/QĐ-BTP ngày 22/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Thứ hai, về công tác chủ trì góp ý, thẩm định và tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật dân sự, kinh tế:
Công tác góp ý, thẩm định và tham gia soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Vụ cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Trong năm 2015, Vụ đã thực hiện tốt công tác thẩm định, góp ý, tham gia soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cụ thể như sau:.
- Đối với các dự án, dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật do Vụ chủ trì tham gia soạn thảo, góp ý, thẩm định: tham gia soạn thảo, thẩm định 15 dự án Luật, Nghị quyết như: Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; Luật quy hoạch; Luật an toàn vệ sinh lao động; Luật thú y; Luật khí tượng, thủy văn; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
- Chủ trì thẩm định 96 văn bản hướng dẫn Luật (Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...).
- Góp ý 367 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm dự thảo Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, Thông tư liên tịch...).
Bên cạnh việc chủ trì tham gia soạn thảo, góp ý và thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được giao, Vụ còn tham gia tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng, góp ý các dự án, dự thảo Văn bản do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì.
Thông qua công tác góp ý, thẩm định năm 2015, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã giúp cơ quan chủ trì soạn thảo phát hiện, khắc phục nhiều vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục cũng như nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản. Nhiều ý kiến góp ý, thẩm định được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo văn bản, giúp cho việc xem xét, ban hành văn bản của cơ quan có thẩm quyền được nhanh chóng, bảo đảm chất lượng, đồng thời, qua đó cũng góp phần nâng cao uy tín của Bộ Tư pháp và của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế trong công tác góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài công tác góp ý, thẩm định và tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, trong năm 2015, Vụ còn tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội; thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới.
Thứ ba, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và hoạt động của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp
Triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trên cơ sở Kế hoạch năm 2015 của Bộ Tư pháp, Vụ đã xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 761/QĐ-BTP ngày 22 tháng 4 năm 2015 ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2015. Vụ đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (gọi là Chương trình 585) tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 2015-2020. Vụ đã phối hợp Ban Quản lý Chương trình 585 chủ trì xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Chương trình ký Kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 và Kế hoạch năm 2015 để triển khai thực hiện. Kết quả như sau: tổ chức 4 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; 15 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp; 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; 7 tọa đàm, lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thu hút hơn 4,000 lượt doanh nghiệp, cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước tham dự.
Xây dựng và phát sóng định kỳ hàng tuần 16 chuyên đề "Kinh doanh và pháp luật” trên Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV) và 48 chương trình "Kinh doanh và pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV2) về các chuyên đề pháp luật kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp như pháp luật doanh nghiệp, pháp luật đầu tư, các hiệp định thương mại song phương và đa phương liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, pháp luật về thuế, lao động,…
Năm 2015, Vụ đã hướng dẫn, kiểm tra và giám sát hoàn thiện và thực hiện Nghị quyết của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ năm 2015; phối hợp xây dựng và hoàn thiện bộ máy tổ chức của Câu lạc bộ; Tổ chức các Hội nghị Ban Chủ nhiệm CLB năm 2015.
Ngoài ra, Vụ cũng thực hiện kịp thời công tác chuẩn bị cho Lãnh đạo Bộ tham dự các cuộc họp của Chính phủ, Quốc hội, tham dự các Chương trình; công tác trả lời Chính phủ về các vấn đề được Chính phủ giao; thông tin báo chí, khiếu nại của công dân, tổ chức; thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong năm 2015, việc thực hiện quy chế dân chủ của Vụ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế dân chủ; đã phổ biến, quán triệt kịp thời, thường xuyên đến cán bộ, công chức của Vụ những chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện dân chủ; luôn gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Vụ; phối hợp chặt chẽ với cấp Uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong Vụ nhằm phát huy tối đa dân chủ của các tổ chức này trong việc thực hiện quy chế dân chủ để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là trong công tác lãnh đạo, điều hành, công tác cán bộ, thi đua khen thưởng, kỷ luật; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tham ô, lãng phí, tiêu cực luôn được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ nên đến nay chưa có trường hợp khiếu nại nào về việc thực hiện quy chế dân chủ.
Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định pháp luật dân sự, kinh tế trong năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự ổn định và tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam năm 2015, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.
ThS. NCS. Trần Minh Sơn