Tọa đàm Đánh giá tác động chính sách theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

20/10/2015
Tọa đàm Đánh giá tác động chính sách theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
Ngày 19/10/2015, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện tại Việt Nam (GIG) tổ chức Tọa đàm Đánh giá tác động chính sách theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhấn mạnh: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như quy định rõ hơn khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ hơn thẩm quyền về mặt nội dung của hình thức văn bản tương ứng với từng chủ thể có thẩm quyền, giảm bớt một số loại văn bản như chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp, thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng; quy định quy trình xây dựng, phân tích, phê duyệt chính sách trước khi trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ giai đoạn lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, góp ý đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ hơn phương thức, thời gian lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân,…

Điểm đột phá lớn nhất của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là tách bạch quy trình xây dựng, phân tích, phê duyệt chính sách với quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó tập trung vào quy trình xây dựng chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong quá trình soạn thảo một số loại văn bản quy phạm pháp luật với nhiều yêu cầu rất cao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị xây dựng văn bản, cũng như đối với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, đặc biệt là yêu cầu đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và trong bản thân dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.                                            

Đánh giá tác động của chính sách nói chung và đánh giá tác động của chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật nói chung là công việc rất khó và phức tạp, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu không những về pháp luật mà còn về nhiều ngành, lĩnh vực khác. Chính vì vậy, một trong 07 nội dung mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 giao Chính phủ quy định chi tiết, có nội dung về đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh (Điều 35)

Để phục vụ cho việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về nội dung này, đồng thời cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho các Bộ, ngành, địa phương về đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) soạn thảo nội dung chương về đánh giá tác động chính sách trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Đề cương tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật.

Được sự hỗ trợ của dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Đánh giá tác động chính sách theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015” để hoàn thiện dự thảo Nghị định và Đề cương tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động chính sách.