Dự buổi Hội thảo có ông Nguyễn Trung Thành – Phó Vụ trưởng Vụ bảo trợ xã hội, Bộ lao động-thương binh và xã hội, bà Trần Quỳnh Trang – Cán bộ Dự án PROPEL, Văn phòng ILO tại Việt Nam; các đại biểu đến từ nhiều cơ sở đào tạo luật trong cả nước như: Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Lao động-xã hội; Trường Đại học Luật Huế, Khoa Luật Đại học Vinh, Khoa Luật Đại học Cần Thơ… Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Trần Quang Huy – Phó Hiệu trưởng, đại diện các đơn vị cùng toàn thể giảng viên Bộ môn Luật lao động, các cộng tác viên là NKT – những người trực tiếp xây dựng và giảng dạy môn học Luật NKT.
Tháng 10/2010, ILO và Trường Đại học Luật Hà Nội đã ký Dự án “Đưa môn học pháp luật NKT vào chương trình đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội”. Môn học Luật NKT Việt Nam đã được đưa vào giảng dạy là môn học tự chọn và bắt đầu tổ chức cho sinh viên đăng ký học từ Học kỳ II năm học 2011 – 2012. Từ đó đến nay đã có 20 lớp học với khoảng 2.400 sinh viên đăng ký học môn học này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ nhiều cơ sở đào tạo luật đều khẳng định: Việc đưa môn học Luật NKT vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo luật là hết sức cần thiết, không những góp phần vào việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật mà còn là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc. Hiện tại các cơ sở đào tạo luật trên cả nước chưa có môn học NKT, lĩnh vực này cũng chưa được nghiên cứu độc lập mà chủ yếu được lồng ghép nội dung vào chương trình đào tạo quyền con người. Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật học duy nhất giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực này với tư cách là môn học độc lập và nhận được sự đánh giá rất cao của ILO cũng như cộng đồng NKT. Những kinh nghiệm hợp tác của Trường Đại học Luật Hà Nội và ILO, những thành công của việc tổ chức môn học là rất đáng học tập.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là các cộng tác viên giảng dạy môn học là NKT nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy môn học như: Chú trọng sử dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy; tăng cường mời cộng tác viên giảng dạy là NKT giúp sinh viên có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ với những tấm gương NKT vươn lên trong cuộc sống…
Cũng nhân dịp này, Trường Đại học Luật Hà Nội và Văn phòng ILO tại Việt Nam đã giải thưởng cho 03 công trình khoá luận tốt nghiệp xuất sắc của các sinh viên trong phong trào nghiên cứu pháp luật về NKT thuộc Chương trình hợp tác hỗ trợ giữa ILO và Trường Đại học Luật Hà Nội về nghiên cứu pháp luật NKT./.
Quỳnh Hoa
Danh sách 03 công trình khoá luận tốt nghiệp của sinh viên được giải thưởng:
1. SV Tô Thị Lan Phương, MSSV: 361302, Lớp: 3613, với đề tài: “Pháp luật về tham gia giao thông của NKT và thực tiễn thực hiện tại thành phố Hà Nội”;
2. SV Lê Thị Thanh Trà, MSSV: 361755, Lớp: 3617, với đề tài: “Pháp luật về NKT nhìn từ góc độ quyền con người”;
3. SV Dương Văn Quý, MSSV: 360354, Lớp 3603, với đề tài: “Công ước quốc tế về quyền của NKT và sự chuyển hóa vào pháp luật Việt Nam”.