Hội nghị về quyền được TGPL trong tư pháp hình sự và rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi Luật TGPL

06/10/2015
Hội nghị về quyền được TGPL trong tư pháp hình sự và rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi Luật TGPL
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2015 của Cục Trợ giúp pháp lý đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt (ban hành kèm theo Quyết định số 477/QĐ-BTP ngày 16/3/2015), ngày 5/10/2015 Cục Trợ giúp pháp lý  đã tổ chức thành công Hội nghị “Quyền trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự và rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý” nhằm trao đổi, thảo luận giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương, địa phương, các chuyên gia về vấn đề quyền trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự để đưa ra những đề xuất bổ sung cơ chế bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự; đồng thời thực hiện rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật để đưa ra những đề xuất sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý.

Đến tham dự hội nghị có 110 đại biểu, bao gồm một số đại biểu Quốc hội; đại diện Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương và các Bộ, ngành, tổ chức  liên quan như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo Sở Tư pháp 6 tỉnh, thành phố; Lãnh đạo Trung tâm và các Trợ giúp viên pháp lý; Cộng tác viên là Luật sư của 20 tỉnh, thành phố; đại diện các cơ quan UNICEF, UNODC, EU, UNWOMEN, UNFPA, AAPTIP, World Vision, UNDP và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Hội nghị đã nghe 17 tham luận và ý kiến phát biểu về thực trạng các quy định về quyền trợ giúp pháp lý trong tư pháp hình sự trong công tác trợ giúp pháp lý hiện nay, các kết quả đạt được, một số bất cập, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra đề xuất cơ chế bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý trong tư pháp và rà soát, đánh giá các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản pháp luật có liên quan trong nước và quốc tế có liên quan, từ đó chỉ ra các quy định còn phù hợp; các quy định không còn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung nhằm phục vụ việc xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Trên cơ sở những ý kiến tại hội nghị, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ tiếp tục đề xuất những vấn đề bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự; đồng thời sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu những quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý và sớm báo cáo Ban soạn thảo về những định hướng sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý./.

- Trịnh Thanh –

Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý