Phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù: Các ngành phải vào cuộc quyết liệt

27/07/2015
Phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù: Các ngành phải vào cuộc quyết liệt
Nhằm đánh giá đúng thực trạng và làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng đặc thù, đồng thời xác định các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới, chiều qua 24/7 Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù, thực trạng và giải pháp”.

Không thể đối tượng nào cũng một hình thức, một nội dung

Báo cáo dẫn đề Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết: thời gian qua nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác PBGDPL nói chung, PBGDPL cho đối tượng đặc thù nói riêng được nâng cao một bước; công tác PBPL cho đối tượng đặc thù từng bước đi vào nề nếp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; nội dung phù hợp, thiết thực. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng chỉ rõ: công tác này vẫn còn nhiều tồn tại như hiệu quả chưa cao, hình thức chưa thực sự phù hợp nhất là đối tượng đặc thù ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; sự phối hợp giữa các ngành chưa thường xuyên; cán bộ thực hiện công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù trình độ chưa đồng đều, số lượng còn thiếu; bản thân đối tượng đặc thù nhu cầu tìm hiểu pháp luật cũng ở mức độ; việc huy động nguồn lực chưa được nhiều, vẫn chủ yếu do nhà nước đảm nhiệm.

Nguyên nhân được ông Nguyên chỉ ra là do nhận thức một số cơ quan còn mức độ, nên chưa có sự đầu tư thỏa đáng; nguồn lực cho đối tượng đặc thù chưa đáp ứng được yêu cầu;việc bồi dưỡng cho đội ngũ  cán bộ chưa được quan tâm thường xuyên…

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB và XH thừa nhận: nhiều nơi công tác PBGDPL cho đối tượng cai nghiện còn đơn điệu, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhiều trung tâm ở vùng sâu, vùng xa kết nối văn hóa với bên ngoài còn yếu. Theo ông Hiền, cần biên soạn chương trình phù hợp, củng cố cơ sở vật chất; đồng thời tăng cường tập huấn cho cán bộ tư vấn, quản lý giáo dục trung tâm…

Với tham luận “lực lượng bộ đội biên phòng với công tác PBGDPL cho người dân ở biên giới, ven biển, hải đảo và ngư dân”, Đại tá Phạm Hồng Quang, Trưởng phòng tuyên huấn, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng nhấn mạnh: quan trọng là việc PBGDPL phải sát đối tượng, không thể đối tượng nào cũng chỉ một hình thức, một nội dung. “Với các đối tượng đặc thù là người dân biên giới, hải đảo nên biên soạn tài liệu ngắn gọn, dưới dạng hỏi đáp  bằng tiếng dân tộc thiểu số. Cùng với sự đổi mới về hình thức, nội dung tuyên truyền, phải tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành; sự phối hợp giữa các cơ quan.” Bên cạnh đó, cũng theo đại diện này, phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa PBGDPL bởi hiện nay vẫn chưa được nhiều, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm nên chưa thu hút được nhiều nguồn lực.

Có cơ chế huy động nguồn lực xã hội

Cũng đề cập đến những khó khăn trong công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù, đại diện Ban Tuyên Giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận: đời sống công nhân ở các khu công nghiệp hiện nay hết sức khó khăn, thời gian rảnh họ muốn tăng ca để có thêm thu nhập nên việc vận động họ tìm hiểu pháp luật rất khó. Đặc biệt việc PBPL cho công nhân chưa được nhiều do kinh phí hạn hẹp. Do đó, đại diện này đề nghị cần có cơ chế khi huy động nguồn lực cho công tác này. “Nhiều doanh nghiệp thắc mắc nếu họ bỏ kinh phí đầu tư thì quyền lợi họ được hưởng ra sao, nếu không tham gia thì thế nào. Cần có những quy định rõ”.

Đối với địa bàn miền núi, phản ánh chung của nhiều địa phương là rất thiếu kinh phí và con người. Ông Trần Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên cho rằng, hiện nay ngân sách của tỉnh vẫn chủ yếu trông chờ TW nên rất khó khăn. “Việc PBPL cho các đối tượng bị tạm giam hoặc tạm giam, bị bạo lực do các tổ chức xã hội thực hiện vì họ có kinh phí”. Ngoài việc tăng cường kinh phí, ông Hưng đề nghị, Vụ PBGDPL nên nghiên cứu có tài liệu chuyên sâu hướng dẫn kỹ năng PBGDPL cho đối tượng đặc thù để đội ngũ tuyên truyền viên có cơ sở thực hiện. Bộ cũng nên trình Chính phủ cơ chế xử lý đối với các ngành không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả việc PBGDPL.

Tham luận của TW Hội nông dân, Thành đoàn Hà Nội, Hội người mù TP, các Sở Tư pháp…cùng kiến nghị, để nâng cao hiệu quả PBGDPL cho đối tượng đặc thù thì cần tranh thủ hơn nữa sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương; các cấp ngành; quan tâm đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác này…

Duy Nguyên