Phiên họp Ủy ban đặc biệt công ước Lahay lần thứ 4 tại Hà Lan

11/06/2015
Phiên họp Ủy ban đặc biệt công ước Lahay lần thứ 4 tại Hà Lan
Thực hiện Quyết định số 982/QĐ-BTP ngày 26 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đoàn cán bộ của Cục Con nuôi do đồng chí Cục trưởng Nguyễn Văn Bình làm trưởng đoàn tham dự Phiên họp Ủy ban đặc biệt lần thứ 4 của Hội nghị Lahay về Công số 33 ngày 29 tháng 5 năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế tại Hà Lan, từ ngày 08 cho đến ngày 12 tháng 6

Phiên họp Ủy ban đặc biệt năm 2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm kiểm điểm, đánh giá 20 năm Công ước Lahay (từ năm 1995 đến năm 2015); bàn bạc một số vấn đề quan trọng về con nuôi quốc tế như thực hiện nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi quốc tế là biện pháp cuối cùng, vấn đề tài chính trong việc cho nhận con nuôi quốc tế, mối quan hệ giữa việc nuôi con nuôi và xu hướng toàn cầu hóa, cách thức thực hiện tốt Công ước Lahay và những thách thức của Công ước trong tương lai. Đặc biệt, Phiên họp của Ủy ban đã dành một phiên thảo luận bàn về rút ngắn trình tự thủ tục giải quyết nuôi con nuôi vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

 

Tại phiên khai mạc, ông Christophe Bernasconi, Tổng thư ký Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế đã phát biểu chào đón đại diện cơ quan trung ương về con nuôi quốc tế của các nước thành viên, các tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em như Quỹ bảo trợ trẻ em của Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức dịch vụ xã hội quốc tế (ISS) về bảo vệ quyền trẻ em không có gia đình, Cao ủy về quyền con người của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ như Diễn đàn châu Á Thái Bình Dương về con nuôi, Hiệp hội thẩm phán quốc tế về thanh niên và gia đình, Hội đồng các nước vùng biển Ban tích, Tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế, Hiệp hội các tổ chức con nuôi Bắc Âu, Liên đoàn quốc tế Trái đất của con người, Hiệp hội quốc tế của con nuôi Hàn Quốc, Hội đồng con nuôi Bắc Âu, Hội đồng con nuôi khối Bắc Mỹ; ngoài ra còn có các chuyên gia độc lập như ông Hans Van Loon, nguyên tổng thư ký Hội nghị Lahay, ông William R.Duncun nguyên Phó Tổng thư ký Hội nghị và các giáo sư nghiên cứu về con nuôi quốc tế tại các trường đại học lớn của Anh cùng tham dự Hội nghị.

 

Qua Báo cáo 20 năm thực hiện Công ước Lahay cho thấy, Công ước đã đạt được những mục tiêu cơ bản đề ra là củng cố và bổ sung các nguyên tắc của Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989; thiết lập những quy định tối thiểu để bảo vệ trẻ em được cho làm con nuôi quốc tế; thiết lập khung khổ pháp lý về hợp tác giữa các nước thành viên; phòng ngừa nạn bắt cóc, mua bán trẻ em và dần loại trừ những biểu hiện lạm dụng về con nuôi quốc tế và bảo đảm các quyết định về nuôi con nuôi được đương nhiên công nhận tại các nước thành viên.

 

Trên toàn thế giới, hiện nay khoảng 50% số lượng trẻ em được cho làm con nuôi quốc tế được giải quyết theo Công ước Lahay giữa các nước thành viên. Điều đó cho thấy vẫn còn 50% số lượng trẻ em được cho làm con nuôi quốc tế chưa được tiến hành trong khuôn khổ Công ước Lahay. Báo cáo 20 năm thực hiện Công ước nhận định ở những nơi còn có ít quy định và nhiều rủi ro thì số lượng giải quyết nuôi con nuôi quốc tế sẽ tăng cao. Tuy nhiên, sự hiện diện của các nước thành viên Công ước đã có thay đổi. Cụ thể trong 10 nước gốc có số lượng con nuôi quốc tế nhiều nhất vào năm 1998 chỉ có 2 nước gốc là thành viên Công ước Lahay là Colombia và Rumania thì đến năm 2013, có 5 nước thành viên Công ước Lahay có mặt trong số 10 nước đó, bao gồm Trung Quốc, Colombia, Philippines, Bun-ga-ri và Ba Lan. Việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi quốc tế trong khuôn khổ Công ước đã góp phần bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em, tìm được một gia đình phù hợp cho trẻ em ở nước ngoài khi giải pháp tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em không thành.

 

Nhận định về xu hướng giải quyết con nuôi quốc tế, có sự giảm mạnh về số lượng. Năm 1998, 31.710 trẻ em được cho làm con nuôi quốc tế tại 21 quốc gia; năm 2013, số lượng trẻ em được cho làm con nuôi quốc tế giảm còn 16.100 trường hợp.

 

Nhìn nhận tương lai, Báo cáo 20 năm thực hiện Công ước nêu rõ bên cạnh những cách thức thực hiện tốt Công ước Lahay theo khuyến nghị tại Sách hướng dẫn thực hiện tốt Công ước số 1 và số 2, vẫn còn có 5 thách thức cơ bản về hệ thống quốc gia về bảo vệ trẻ em tại các nước gốc (đăng ký khai sinh cho trẻ em ở những vùng nông thôn chưa được bảo đảm; biện pháp phòng ngừa trẻ em bị bỏ rơi, thời gian trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng kéo dài...), kiểm tra, theo dõi những tổ chức trung gian về con nuôi, trình tự thủ tục giải quyết cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt còn kéo dài gây ảnh hưởng tới lợi ích tốt nhất của trẻ, áp lực của các nước gốc khi các nước nhận có quá nhiều yêu cầu nhận con nuôi và việc thu lợi bất chính trong hoạt động con nuôi quốc tế.

 

 

Tham dự Hội nghị, Đoàn công tác của Cục Con nuôi đã tích cực phát biểu tham gia trình bày kinh nghiệm của Việt Nam triển khai thực hiện Công ước Lahay trong đó có kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách của Việt Nam về con nuôi quốc tế như Thông tư hướng dẫn tìm gia đình thay thế cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, Thông tư sử dụng biểu mẫu đăng ký nuôi con nuôi, Thông tư hướng dẫn việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài và bảo hộ trẻ em trong trường hợp cần thiết, Đề án thu hút công tác xã hội, y tế, tâm lý trong giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Qua diễn đàn, phía Việt Nam đề nghị giữa nước nhận và nước gốc cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc giải quyết trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em.

 

Cũng tại Hội nghị, Ban Thường trực Công ước Lahay đã thu xếp để phía Việt Nam đối thoại với 14 nước nhận có quan hệ hợp tác với Việt Nam. Cục Con nuôi nhận định đây là một cơ hội quý báu để Việt Nam có thể gặp gỡ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các nước gốc; tiếp nhận những phản ánh từ phía các nước nhận có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam./.

 

Tin tức từ Hội nghị Lahay tại Hà Lan 


Phạm Thị Kim Anh