Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp khẳng định: Quyền con người là giá trị tinh hoa của nhân loại, là khát vọng và thành quả đấu tranh của các dân tộc trên toàn thế giới. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta từ năm 1945 cho đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người. Đặc biệt, với sự ra đời của Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Để thực thi các quyền hiến định này, cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người từ khá sớm, trong đó có Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hoá và xã hội; Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ...
Công ước ICCPR là một trong số những công ước quan trọng nhất về quyền con người, Việt Nam đã gia nhập Công ước ICCPR từ năm 1982. Trở thành thành viên của Công ước, Việt Nam có cơ hội để thể hiện cam kết bảo vệ nhân quyền. Mặt khác, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước ICCPR, Việt Nam có nghĩa vụ xây dựng Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước. Tính từ thời điểm gia nhập đến nay, Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ 02 Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước này. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước ICCPR. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường và bảo vệ tốt hơn quyền con người cả trên phương diện đối nội và đối ngoại thì việc xây dựng Báo cáo thực thi Công ước ICCPR là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp nói chung và Ban soạn thảo Báo cáo thực thi công ước nói riêng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Báo cáo, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận sâu về các nội dung liên quan đến những vấn đề Việt Nam cần quan tâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần này; một số thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với Việt Nam khi xây dựng, bảo vệ báo cáo; kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ báo cáo quốc gia của các các báo cáo khác của Việt Nam trước đây như Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tập trung về vấn đề thực thi các điều khoản cụ thể của Công ước ICCPR và trả lời các khuyến nghị của Uỷ ban Công ước nêu ra sau khi xem xét Báo cáo trước đây của Việt Nam, chẳng hạn như: thực tiễn thi hành các quy định về tạm giữ, tạm giam; việc quy định về án tử hình; thực tiễn thi hành nguyên tắc xét xử nhanh chóng, kịp thời trong tố tụng hình sự; các biện pháp để bảo đảm sự độc lập, vô tư, xét xử khách quan của tòa án; bảo đảm quyền được bào chữa; quyền được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự; bảo đảm quyền riêng tư...
Các ý kiến đóng góp sâu, rộng của các thành viên Ban soạn thảo Báo cáo, cũng như ý kiến góp ý của các chuyên gia, các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo là nguồn thông tin quan trọng, hữu ích đối với Bộ Tư pháp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR nhằm góp phần thúc đẩy việc thực hiện các cam kết liên quan đến bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ./.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp