Cục Công tác phía Nam làm việc về công tác tư pháp và thi hành án dân sự tại tỉnh Bình Phước

10/09/2015
Cục Công tác phía Nam làm việc về công tác tư pháp và thi hành án dân sự tại tỉnh Bình Phước
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 318/KH-CCTPN ngày 11/8/2015 của Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp làm việc về công tác tư pháp và thi hành án dân sự địa phương, ngày 09/9/2015, Cục Công tác phía Nam có buổi làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước. Dẫn đầu đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Trưởng đoàn cùng đồng chí Trần Hoài Phú - Phó Cục trưởng, Phó Trưởng đoàn và các thành viên là Chánh Văn phòng, chuyên viên các đơn vị thuộc Cục Công tác phía Nam. Tham dự buổi làm việc tại Sở Tư pháp có các đồng chí Ban Lãnh đạo Sở, đại diện các đơn vị thuộc Sở, Phòng Tư pháp. Tiếp đoàn làm việc tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự có các đồng chí Lãnh đạo Cục cùng lãnh đạo các phòng và một số Chi cục Thi hành án dân sự.
Nhiều kết quả khả quan trong công tác tư pháp và thi hành án dân sự

Về công tác tư pháp, Sở Tư pháp Bình Phước đã bám sát các định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, đạt được một số kết quả nổi bật như: (i) Thực hiện tốt công tác triển khai cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, kết quả đã nhận được 52.864 bài dự thi, cao hơn nhiều so với một số tỉnh có lượng dân số tương đương trong khu vực phía Nam. (ii) Công tác văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng cao chất lượng góp phần đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh Bình Phước ngày càng tốt hơn. (iii) Công tác hành chính tư pháp được STP chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình; Quy chế phối hợp liên ngành về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn đúng thời hạn. (iv) Trong công tác bổ trợ tư pháp, Bình Phước là một trong những địa phương thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng nhanh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 21 tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng lộ trình quy hoạch phát triển tổng thể tổ chức hành nghề công chứng giai đoạn 1 (2011-2015). Đồng thời, đã thành lập Hội công chứng viên, ban hành mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh. (v) Công tác tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ công chức tư pháp địa phương được STP quan tâm, chú trọng thực hiện theo hướng chuyên môn hóa từng lĩnh vực hoạt động của công tác tư pháp. Sở Tư pháp Bình Phước đã tham mưu UBND tỉnh đưa được chức năng quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quản lý vào Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới của Sở Tư pháp. So với thời điểm trước khi Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV được ban hành, số lượng các Phòng chuyên môn thuộc STP Bình Phước có sự thay đổi (tăng Phòng Tổ chức cán bộ)…

   

Về công tác thi hành án dân sự: (i) Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước vẫn còn khó khăn, kinh tế chưa thật sự phục hồi mạnh, bất động sản chưa thật sự khởi sắc; số việc và tiền thụ lý tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2014; việc bán đấu giá tài sản là bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã nỗ lực rất lớn để thực hiện các nhiệm vụ được giao. (ii) Công tác đôn đốc thi hành án hành chính luôn được sự quan tâm của Lãnh đạo Cục và Chi cục Thi hành án dân sự, thi hành xong 100%. (iii) Trong 11 tháng của năm 2015 toàn tỉnh không có công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật.

   

Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác Cục Công tác phía Nam cùng các cơ quan tư pháp địa phương đã có những trao đổi những vướng mắc trong công tác tư pháp và thi hành án dân sự của tỉnh Bình Phước.

Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc về công tác tư pháp, chủ yếu tập trung vào một số vấn đề như: (i) Công tác tư pháp ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ nặng nề với yêu cầu ngày càng cao nhưng số lượng biên chế được giao không tăng, do đó, khó tránh khỏi tình trạng công chức phải kiêm nhiệm khi thực hiện các nhiệm vụ được giao. (ii) Một số công tác chưa đạt được kết quả như mong muốn do thiếu kinh phí hoạt động như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, lý lịch tư pháp…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự trong 11 tháng tại địa phương còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: (i) Kết quả thi hành án dân sự 11 tháng còn thấp so với chỉ tiêu được giao, nhất là về giá trị (về việc đã giải quyết đạt tỷ lệ 79,3%, thấp hơn 8,7% so với chỉ tiêu được giao; về giá trị đã giải quyết đạt tỷ lệ 58,75%, thiếu 22,25% so với chỉ tiêu được giao). (ii) Công tác tổ chức cán bộ mặc dù đã được củng cố nhưng hiện tại vẫn chưa kiện toàn đầy đủ, chưa đồng đều về chất lượng và chưa bổ nhiệm đầy đủ các chức danh chủ chốt cấp phòng và Chi cục…

   
Cũng trong buổi làm việc, Cục Công tác phía Nam đã lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất về công tác tư pháp và thi hành án dân sự trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, đề xuất được địa phương rất quan tâm, chú trọng là: Bộ Tư pháp tiếp tục có kế hoạch triển khai tập huấn kịp thời các quy định mới của pháp luật, đồng thời sớm ban hành Nghị định, Thông tư đối với các luật mới có hiệu lực hoặc mới được ban hành trong năm 2015…

Kết thúc buổi làm việc, các đồng chí Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam đã phát biểu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được về công tác tư pháp và thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước. Đồng thời, các đồng chí cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đưa ra một số nhiệm vụ trước mắt mà các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự cần nỗ lực thực hiện, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Theo Kế hoạch đề ra, từ ngày 14/9/2015 đến ngày 16/9/2015, Đoàn công tác sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau, Cần Thơ./.

Lâm Trần - Văn phòng Cục Công tác phía Nam