Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, bao gồm lãnh đạo, chuyên gia của các Bộ, ngành có liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Toà án nhân dân tối cao và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như: Cục Công nghệ thông tin, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.
Ban soạn thảo do đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng Ban; đồng chí Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật làm Phó Ban soạn thảo. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định trên cơ sở sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo như:
Thứ nhất, trên cơ sở quy định của Luật XLVPHC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó, Điều 23 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định rõ: “Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia được thực hiện theo nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính”.
Thứ hai, nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia xử lý vi phạm hành chính là nhiệm vụ mới và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để sớm thực hiện tốt công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, lần đầu tiên được quy định trong một văn bản có giá trị pháp lý cao, đó là Luật XLVPHC. Quy định về nhiệm vụ này trong Luật XLVPHC được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tại điểm 2.7 mục 2 (Phần II) có quy định: “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”; Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 215, Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Chính phủ điện tử Việt Nam trở thành loại khá trên thế giới.
Thứ ba, việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia còn xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay. Luật XLVPHC là đạo luật có nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của rất nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn liên quan trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của công dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể khẳng định việc triển khai thi hành Luật XLVPHC tác động đến hầu hết các chủ thể trong xã hội. Điều này đòi hỏi phải thiết lập, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính với mục đích theo dõi, quản lý việc xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan nhà nước; theo dõi, nắm bắt số lượng, tính chất mức độ và xu hướng phổ biến của các hành vi vi phạm hành chính phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, phục vụ cho công tác truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với các hành vi phạm tội mà theo quy định trong Bộ luật Hình sự thì trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính); theo dõi, nắm bắt việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trên cơ sở số liệu thực tế các vụ việc vi phạm hành chính, sau khi tiến hành số hóa và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cơ quan có trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có đủ các thông tin, dữ liệu tổng thể về xử lý vi phạm hành chính để đưa ra các chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, quản lý xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đồng thời phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính được ban hành.
Từ sự cần thiết nêu trên, Dự thảo Nghị định đang được Ban soạn thảo và Tổ biên tập tập trung soạn thảo và luôn bám sát các quan điểm chỉ đạo sau:
- Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, nội dung quy định chi tiết phải phù hợp với tinh thần và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Quy định cụ thể các nội dung về mô hình cơ sở dữ liệu quốc gia, quá trình xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
- Bảo đảm phù hợp với thực tế, điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ thiết thực cho quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trước những yêu cầu cấp thiết và các quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự thảo Nghị đinh, có thể thấy rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là rất cần thiết để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội từ thực tiễn.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật