Với bố cục 06 chương 26 điều, Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của Thông tư số 11/2011/TT-BTP 27/6/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng, Quyết định số 01/2008/QĐ-BTP ngày 20/02/2008 về việc ban hành một số mẫu giấy tờ dùng trong hoạt động công chứng; đồng thời chỉnh lý về nội dung và ngôn ngữ pháp lý của một số quy định được kế thừa để phù hợp, không lặp lại quy định của Luật công chứng năm 2014. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động công chứng song vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động công chứng cũng là một trong những quan điểm xuyên suốt quá trình xây dựng.
Dự thảo Thông tư cũng quy định về các trường hợp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài được công nhận; hồ sơ đề nghị công nhận; thủ tục công nhận. Quy định công nhận tương đương đối với những người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đối chiếu với quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Vấn đề được xin ý kiến tập trung vào việc quy định về cơ sở đào tạo nghề công chứng. Theo đó hiện nay, việc đào tạo nghề công chứng đang do Học viện tư pháp thực hiện. Dự thảo Thông tư quy định Học viện tư pháp thuộc Bộ Tư pháp là cơ sở đào tạo nghề công chứng. Tuy nhiên, hiện có quan điểm cho rằng nên mở rộng cơ sở đào tạo không chỉ gồm Học viện tư pháp mà còn gồm các cơ sở đào tạo đáp ứng điều kiện có đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức và trình độ đào tạo, bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình đào tạo nghề công chứng; Có chương trình đào tạo, giáo trình phù hợp với chương trình khung về đào tạo nghề công chứng; Có cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc dạy và học nghề công chứng, thì được phép đào tạo nghề công chứng.
Theo Cục Bổ trợ tư pháp, hiện số lượng học viên tham dự khóa đào tạo công chứng hàng năm không lớn (khoảng 300 học viên). Với đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức đào tạo đang có, Học viện Tư pháp hoàn toàn có thể đáp ứng việc đào tạo nghề công chứng. Hơn nữa, thời gian qua, chất lượng học viên tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng được đánh giá khá tốt. Do đó việc quy định Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo nghề công chứng sẽ phù hợp và đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ công chứng viên chuyên nghiệp, hiện đại.