Kết quả công tác khảo sát thực tế tại 02 xã, phường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho thấy, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Bộ Tư pháp về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, các địa phương cũng như tỉnh Điện Biên đã ban hành được hầu hết các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện như: Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên; thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật tỉnh Điện Biên... Đồng thời, bước đầu huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác triển khai thực hiện, tính đến nay đã 04/10 huyện, thị xã đã ban hành Kế hoạch và Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện; các đơn vị còn lại chỉ đạo cấp xã ban hành Kế hoạch và thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp xã.
Công tác xây dựng Hương ước, Quy ước đã được cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể của tỉnh và chính quyền cơ sở hướng dẫn, thực hiện đến thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư quan tâm triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hầu hết các thôn, bản, tổ dân phố đều được hướng dẫn xây dựng Hương ước, Quy ước; tính đến 30/6/2014 có 1.464/1751 thôn, bản, tổ dân phố xây dựng Hương ước, Quy ước, trong đó có 837 hương ước, Quy ước được UBND cấp huyện phê duyệt, 442 Hương ước, Quy ước đang thực hiện nhưng chưa được phê duyệt và 185 Hương ước, Quy ước đang thẩm định để phê duyệt. Nhiều đơn vị như Thành phố Điện Biên Phủ, Thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên đạt 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng Hương ước, Quy ước; các huyện còn lại vẫn tiếp tục đôn đốc xây dựng Hương ước, Quy ước để đáp ứng các tiêu chí của các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, bản làng văn hóa …
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, bất cập như: Công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, sau khi có Quyết định 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn nên các địa phương còn khó khăn trong việc triển khai; nguồn ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi, chấm điểm, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được tập huấn kiến thức pháp luật về chuẩn tiếp cận pháp luật nên còn nhiều lúng túng, bất cập khi tham mưu thực hiện; …
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Đỗ Xuân Lân - Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong thời gian qua, đặc biệt trong điều kiện địa phương còn gặp nhiều khó khăn về tự nhiên, kinh tế - xã hội...Về Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí ghi nhận những ý kiến đề xuất, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg. Đồng thời yêu cầu các địa phương cũng như cơ quan Tư pháp các cấp cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai thực hiện, sáng tạo, linh hoạt tránh tình trạng thụ động, trông chờ vào văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Đối với công tác xây dựng hương ước, quy ước cần nghiên cứu phát huy tính tự quản của cộng đồng, khi xây dựng, ban hành cần phải được kiểm tra, thẩm định bảo đảm đúng với quy định của pháp luật có liên quan…