Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành thường xuyên phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ kiện đầu tư quốc tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước, ngoài ra còn có các giảng viên đến từ Đại học Luật Hà Nội và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Hội thảo nghe 03 luật sư: Tiến sĩ Pratricia Nacimiento, ông Holger Scheer, ông Max Stein đến từ công ty Norton Rose Fulbright LLP- một trong những hãng luật nổi tiếng, uy tín hàng đầu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp quốc tế tại Châu Âu và trên thế giới, chia sẻ kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng giải quyết tranh chấp đầu tư bằng trọng tài (bao gồm các vụ việc theo quy tắc tố tụng trọng tài ICSID và UNCITRAL).
Trong thời gian buổi sáng, các luật sư trình bày các khía cạnh pháp lý liên quan đến tranh chấp trong các BITs và giải quyết tranh chấp đầu tư bằng trọng tài quốc tế, bao gồm: nội dung chính của các BITs, khái niệm đầu tư, khái niệm nhà đầu tư, vấn đề nhà đầu tư hai quốc tịch, cách nhìn nhận của Hội đồng trọng tài trong một số vụ việc về vấn đề quốc tịch thực tế và hữu hiệu, quốc tịch của công ty và cách xác định quyền khởi kiện của pháp nhân đã phá sản.
Hội thảo cũng đã nghe các luật sư trình bày về các tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư cơ bản trong các BITs như tiêu chuẩn không phân biệt đối xử, đối xử quốc gia, đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an ninh đầy đủ, tước đoạt trực tiếp và gián tiếp, tước đoạt hợp pháp và bất hợp pháp… Đây là những tiêu chuẩn mà nhà đầu tư nước ngoài thường dựa vào để cáo buộc Chính phủ vi phạm các BITs.
Trong phần trình bày về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các luật sư trình bày về thẩm quyền xét xử vụ việc trọng tài, các thiết chế để các bên có thể lựa chọn khi phát sinh tranh chấp, giai đoạn tham vấn giữa hai bên, việc từ chối được bảo hộ, xác định thẩm quyền ban đầu và vấn đề minh bạch trong giải quyết tranh chấp.
Các luật sư cũng trình bày về quy trình giải quyết tranh chấp đầu tư, những biện pháp mà Chính phủ nên thực hiện để ứng phó với xu hướng các tranh chấp đầu tư quốc tế đang ngày càng gia tăng. Theo đó, Chính phủ các nước nên đặc biệt quan tâm, đầu tư các nguồn lực cho việc chủ động phòng tránh sớm và ứng phó với các khiếu kiện về đầu tư, chiến lược lựa chọn luật sư, trọng tài viên và thu thập chứng cứ, tài liệu. Điều đặc biệt quan trọng là hình thành một cơ quan thường trực giải quyết tranh chấp và xây dựng chiến lược rõ ràng, kịp thời cho việc giải quyết tranh chấp mới phát sinh, cũng như duy trì cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu và chuẩn bị cho việc phòng, chống kiện.
Hội thảo dành một buổi chiều để thảo luận về các tình huống thực tiễn về giải quyết tranh chấp đầu tư, cụ thể như: (i), Vấn đề quốc tịch hữu hiệu của nhà đầu tư; (ii), Vấn đề đàm phán điều khoản về tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu; (iii) Hiệu lực của điều khoản từ bỏ quyền trong bản thỏa thuận chấm dứt vụ kiện; (iv), Quyền khởi kiện của pháp nhân đã phá sản; (v), Nguyên tắc từ chối tiếp cận công lý trong vụ kiện đầu tư; (vi), Nguyên tắc bảo hộ an ninh đầy đủ và vấn đề trách nhiệm của Chính phủ đối với lỗi của Bên thứ ba gây ra cho Nhà đầu tư trong bạo loạn tự phát; (vii), Lựa chọn các diễn đàn để giải quyết tranh chấp đầu tư (viii), Chiến lược lựa chọn trọng tài và (ix), Ngôn ngữ sử dụng trong quá trình tố tụng.
Có thể nói, Hội thảo đã mang lại những thông tin bổ ích và mang tính thực tiễn cao. Kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và cách đánh giá của các luật sư đồng thời là trọng tài viên trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ kiện đầu tư quốc tế giúp trang bị cho cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan thông tin cập nhật về các khía cạnh pháp lý trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cũng như những cảnh báo, đề xuất về biện pháp các hính phủ nên thực hiện để ứng phó hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đây cũng là cơ hội để các cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực này của các Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành giao lưu, học hỏi và hiểu rõ hơn vai trò của mình trong công tác phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
(Tài liệu hội thảo được gửi kèm theo)
Vụ Pháp luật quốc tế