Hội thảo góp ý chế định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

25/08/2014
Ngày 22 tháng 8 năm 2014, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phối hợp với Hiệp Hội ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý chế định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo có đại biểu đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp, các thành viên Tổ biên tập, các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, các cơ sở đào tạo Luật, Văn phòng Luật sư, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng...).

Tại Hội thảo, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã giới thiệu những nội dung và điểm mới cơ bản của dự thảo Bộ luật Dân sự liên quan đến chế định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như: về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, dự thảo bỏ biện pháp tín chấp và bổ sung biện pháp bảo đảm là cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu; về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, dự thảo quy định giá trị tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, nhỏ hơn hoặc bằng giá trị nghĩa vụ được bảo đảm; về tài sản bảo đảm, dự thảo bổ sung quy định tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của người khác nhưng bên bảo đảm được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ...; đồng thời đề cập đến những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình lấy kiến đối với dự thảo (chủ thể gia kết hợp đồng bảo đảm, về thứ tự ưu tiên thanh toán, về quyền bán tài sản của bên thế chấp và quyền truy đòi tài sản của bên nhận thế chấp, về xử lý tài sản bảo đảm).

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Về chủ thể giao kết hợp đồng bảo đảm là hộ gia đình, các ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về tiêu chí xác định thành viên hộ gia đình vì thực tế nhận thế chấp quyền sử dụng đất cả hộ gia đình, các tổ chức thường gặp rủi ro do không có cơ sở, căn cứ để xác định đầy đủ thành viên trong hộ dẫn đến phát sinh tranh chấp. Về quyền bán tài sản thế chấp của bên thế chấp, các tổ chức cho rằng, trong điều kiện việc thu hồi tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp không thể thu hồi được thì việc đưa ra quy định như vậy cần phải được cân nhắc, xem xét để hạn chể rủi ro cho tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán, hiệu lực đối kháng với người thứ ba của quyền thế chấp, thế chấp quyền sử đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và ngược lại, mối quan hệ giữa bên nhận bảo đảm và bên có quyền cầm giữ…

Bế mạc Hội thảo, đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho rằng, những ý kiến góp ý tại Hội thảo có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là cơ sở quan trọng giúp Tổ biên tập tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung liên quan thuộc chế định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

                            Nguyễn Thị Thu Hằng - Cục Đăng ký GDBĐ