Họp tổ soạn thảo Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý

30/05/2014
Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo và các đối tượng chính sách, Cục TGPL (Bộ Tư pháp) đang phối hợp với một số cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Dự thảo Đề án đổi mới công tác TGPL. Theo đó, dự kiến sẽ thực hiện thí điểm xã hội hóa một số hoạt động đối với một số Trung tâm, đáng chú ý là chuyển đổi 2 Trung tâm của 2 thành phố thành đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí hoạt động. Ngày 29/5, Cục TGPL đã tổ chức cuộc họp tổ soạn thảo bàn về Dự thảo Đề án đổi mới này.

“Đất diễn” của luật sư mới vào nghề

Phó Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh cho biết, công tác xã hội hóa hoạt động TGPL còn chậm, việc huy động các nguồn lực tham gia còn ít, chưa hiệu quả. Hiện có khoảng 20 địa phương chưa có tổ chức nào đăng ký tham gia TGPL. Số lượng luật sư thuộc các tổ chức tham gia thực hiện TGPL không nhiều, chưa thường xuyên, tích cực, chủ yếu là luật sư… mới hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực tham gia tố tụng còn hạn chế. Ông Thu Anh chia sẻ vướng mắc trong huy động các nguồn lực tham gia TGPL là do chưa có cơ chế bồi dưỡng vụ việc đối với luật sư của các tổ chức đăng ký tham gia TGPL khi họ thực hiện TGPL, mức bồi dưỡng cho đội ngũ luật sư cộng tác viên TGPL thấp nên chưa khuyến khích sự tham gia đông đảo của đội ngũ này và thêm nữa là thủ tục thanh toán bồi dưỡng phức tạp.

Vì vậy, để đổi mới công tác TGPL đòi hỏi phải có được nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp thực hiện thí điểm một số nội dung đối với một số Trung tâm ở nơi có điều kiện xã hội hóa mạnh. Chẳng hạn như thí điểm chuyển đổi Trung tâm TGPL Nhà nước TP.Hà Nội và TP.HCM thành đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm chi phí hoạt động. Đối với các Trung tâm ở các tỉnh, thành phố có trên 70 luật sư hành nghề tại địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An thì chuyển đổi Trung tâm thành đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động. “Việc chọn các địa phương này thí điểm trên cơ sở nhu cầu TGPL, các Trung tâm có điều kiện thuận lợi, có đông đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và luật sư trên địa bàn” – ông Thu Anh lý giải.

Không những thế, đại diện Cục TGPL cũng mong muốn thí điểm mở rộng đối tượng TGPL ngoài 4 nhóm đối tượng đang được quy định trong Luật TGPL bao gồm người nghèo; người có công với cách mạng; người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc mở rộng đối tượng có thể có 2 phương án, hoặc là người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nạn nhân bạo lực gia đình, trẻ em, ngư dân hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa được TGPL miễn phí trong lĩnh vực tố tụng hình sự hoặc là mở rộng cho một số đối tượng yếu thế thu nhập thấp khác như hộ cận nghèo, thoát nghèo, nạn nhân bạo lực gia đình, trẻ em nhưng phải đóng phí và phí này sẽ được tính toán cụ thể, phù hợp.

Cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp đổi mới

Theo ông Thu Anh, việc thu phí đối với các đối tượng mở rộng TGPL theo biểu phí của Nhà nước tương đương thù lao trả luật sư chỉ định xuất phát từ việc mở rộng đối tượng TGPL góp phần hỗ trợ quyền tiếp cận pháp luật và tư pháp của nhóm người yếu thế, thu nhập thấp. Những nhóm người này không được TGPL thì khó có khả năng thuê luật sư ngoài để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng theo Hiến pháp (như hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, nạn nhân mua bán người). Hơn nữa, việc thu phí sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng giữa khách hàng, khuyến khích tăng vụ việc TGPL và kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng thu phí thấp hơn phí dịch vụ pháp lý thương mại đối với một số đối tượng.

Tuy nhiên, những đề xuất đổi mới khá mạnh dạn trên chưa nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến. Tại cuộc họp trên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Đình Tạp tán thành sự cần thiết phải có hoạt động thí điểm trước bất kỳ sự đổi mới nào rồi tiến tới nhân rộng. Nhưng ông Tạp băn khoăn ở chỗ thí điểm chuyển đổi 2 Trung tâm của 2 TP.Hà Nội và TP.HCM hoặc các Trung tâm ở địa phương có nhiều luật sư liệu có thật hợp lý, trong khi nhu cầu TGPL tập trung nhiều tại các địa phương vùng sâu, vùng xa và các địa bàn đó mới cần được ưu tiên.

Cùng quan điểm với ông Tạp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Thúy Hạnh còn phân tích, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2015 – 2016 không đưa dự kiến sửa đổi Luật TGPL 2007 mà Đề án đổi mới không thể vượt quá khuôn khổ quy định của Luật nên sự thí điểm nào cũng cần phải có giới hạn. “Luật đề ra nguyên tắc không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được TGPL và nghiêm cấm nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người được TGPL thì không thể đổi mới bằng cách thu phí của các đối tượng thí điểm mở rộng được” – bà Hạnh thẳng thắn và thận trọng nói thêm: “Ngay cả dự kiến thí điểm mở rộng đối tượng TGPL cũng không được ngoài quy định Luật, chỉ nên tập trung đáp ứng tốt nhu cầu của 4 nhóm đối tượng TGPL mà Luật đã nêu rõ”.

Cẩm Vân