Theo nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện nghiên cứu một vấn đề rất mới, còn nhiều quan điểm khoa học khác nhau, tuy nhiên Ban Chủ nhiệm đã tìm ra được những “lát cắt” sáng tạo và xem xét vấn đề trong tính tương quan giữa 3 góc độ: pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật hợp đồng và pháp luật cạnh tranh.
Đề tài đã khẳng định việc xác định tính hợp pháp của hành vi nhập khẩu song song sản phẩm chứa đựng quyền sở hữu trí tuệ còn gây nhiều tranh cãi dưới góc độ khoa học pháp lý, kinh tế - xã hội cũng như trong thực tiễn giải quyết tranh chấp. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới còn lúng túng khi giải quyết các vụ việc cụ thể. Vấn đề pháp lý phát sinh cần được giải quyết là: (i) quyền sở hữu trí tuệ liên quan có bị hết (mất đi) hay không khi sản phẩm chứa đựng quyền sở hữu trí tuệ đó được nhập khẩu mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền? (ii) nếu có giới hạn đối với người mua (người nhập khẩu) được áp đặt bởi chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hay người nhận chuyển giao quyền sử dụng quyền đó thì giới hạn này cần được xử lý như thế nào dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, hợp đồng và cạnh tranh?
Trên cơ sở phân tích: pháp luật quốc tế (WTO và WIPO); pháp luật của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và một số nước ASEAN cũng như pháp luật Việt Nam, Đề tài này góp phần giải đáp các vấn đề pháp lý liên quan đến nhập khẩu song song từ góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, hợp đồng và cạnh tranh. Qua đó, Đề tài đã đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có yêu cầu thực thi hiệu quả quy định về hết quyền quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP và Hiệp định EVFTA trong tương lai gần.
Đa số ý kiến của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao tính khoa học, tính sáng tạo và tính ứng dụng của Đề tài. Các thành viên đều cho rằng, đây là một công trình nghiên cứu khoa học về một lĩnh vực mới và khá phức tạp, nhưng nhóm tác giả đã có những phân tích, nhận định xác đáng, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như phục vụ công tác đàm phán các hiệp định thương mại tự do hiện nay. Đề tài cũng đã cung cấp những nguồn tư liệu quý giá; các thông tin trích dẫn có độ tin cậy cao; kết hợp nhuần nhuyễn được 2 yếu tố: lý luận và thực tiễn; những nhận xét, bình luận xác đáng, có giá trị tham khảo cho những người làm công tác nghiên cứu lẫn thực tiễn. Đây là kết quả thực sự có ý nghĩa trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được 100% thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
Bên cạnh giá trị khoa học, Hội đồng nghiệm thu cũng đánh giá kết quả nghiên cứu của Đề tài còn thể hiện sự đam mê và thành công của Nhóm tác giả trong nghiên cứu, tìm tòi, khám phá và say mê khoa học, có phương pháp tiếp cận mới, là nguồn cảm hứng cho hoạt động nghiên cứu khoa học của thế hệ cán bộ trẻ của Bộ Tư pháp.
Đinh Bích Hà