Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp

28/03/2014
Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp
Sau khi hoàn thiện Dự thảo Bản ghi nhớ theo nội dung đã được thống nhất trong các buổi làm việc trước, ngày 27/3, Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bên.

Theo đó, Học viện Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội hợp tác trong các lĩnh vực: trao đổi giảng viên; chia sẻ, tham vấn về kinh nghiệm xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu, phương pháp đào tạo; xây dựng và phát triển chương trình liên kết đào tạo vì lợi ích của cả hai Bên; nghiên cứu khoa học; thực tập nghề nghiệp; công tác tuyển sinh, chia sẻ thông tin thư viện và các lĩnh vực khác.

Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết xuất phát từ mong muốn củng cố, mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng nhằm khai thác thế mạnh, năng lực và lợi thế cạnh tranh của mỗi Bên để cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hai Bên thực hiện hợp tác trên cơ sở hợp tác toàn diện, bền vững, tin cậy, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và phù hợp với thẩm quyền của mỗi Bên.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chúc mừng hai cơ sở đào tạo lớn của Bộ Tư pháp đã chính thức hợp tác, mở ra cơ hội cho cả hai Bên chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nâng cao chất lượng hoạt động. Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng mong rằng Trường Đại học Luật và Học viện Tư pháp sẽ thực hiện tốt quá trình hợp tác, thường xuyên chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động hợp tác cụ thể theo từng lĩnh vực đã được ký kết.ư

Thanh Hương

Nội dung hợp tác

Học viện Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội hợp tác trong các lĩnh vực: trao đổi giảng viên; chia sẻ, tham vấn giữa hai bên về kinh nghiệm xây dựng chương trình, giáo trình tài liệu, phương pháp đào tạo; xây dựng và phát triển chương trình liên kết đào tạo vì lợi ích của cả hai bên; nghiên cứu khoa học; thực tập nghề nghiệp; công tác tuyển sinh và chia sẻ thông tin thư viện và các lĩnh vực khác với các hoạt động cụ thể sau đây:

1. Hàng năm, hai bên cam kết giới thiệu cho nhau các chuyên gia, giảng viên có năng lực về chuyên môn, giỏi kỹ năng nghề nghiệp và phương pháp sư phạm, đảm bảo khả năng có thể thực hiện được các nhiệm vụ giảng dạy, năng lực hướng dẫn thực hành nghề luật trong khuôn khổ chương trình trao đổi chuyên gia, giảng viên, tư vấn viên pháp luật giữa hai Bên; cử giảng viên có năng lực, đủ điều kiện tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sỹ, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ các chức danh tư pháp, nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính; cử giảng viên có năng lực và đủ điều kiện tham gia hướng dẫn cho các học viên theo học các khoá đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ và công nhận giờ giảng dạy của hai Bên.

2. Hàng năm, hai Bên cùng phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và phương pháp đào tạo.

3. Tuỳ thuộc nhu cầu phát triển ở các thời kỳ của từng bên, hai bên cùng nhau nghiên cứu, xây dựng, phát triển và tham gia tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cử nhân luật, các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sỹ ứng dụng đáp ứng yêu cầu nguồn lực tư pháp; xây dựng các chương trình đào tạo để công nhận tín chỉ đào tạo của hai Bên.

4. Hai Bên cam kết thúc đẩy việc tham gia của các giảng viên, học viên và các đối tác của mỗi Bên vào các hội nghị, tọa đàm và trao đổi do các Bên tổ chức, viết bài cho Tạp chí. Với sự đồng thuận chung, hai Bên cùng tổ chức, luân phiên tổ chức hoặc mời đại diện của nhau tham gia hội nghị, tọa đàm, hội thảo khoa học; tổ chức giới thiệu và tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học của nhau; xây dựng và phát triển các chương trình nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công cuộc cải cách tư pháp

5. Hai Bên thông báo cho nhau theo định kỳ hàng năm danh mục các ấn phẩm xuất bản của mình. Các tài liệu có chất lượng của mỗi bên sẽ được lựa chọn và chuyển cho bên kia dưới dạng tệp dữ liệu điện tử hoặc đĩa CD-Rom.

6. Hai bên cùng nhau tổ chức các phiên toà giả định, các phiên toà mẫu về hình sự, dân sự, kinh doanh - thương mại, lao động và hành chính; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi và thực hiện kỹ năng tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản tư vấn, tố tụng tuỳ theo nhu cầu thường kỳ hoặc đột xuất của từng bên.

7. Học viện Tư pháp hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội thực tập môn học, thực hành nghề luật hoặc sử dụng các phòng học, phòng hội thảo, phòng diễn án, phòng thực nghiệm điều tra và phòng ở Ký túc xá của Học viện Tư pháp khi có nhu cầu; sử dụng các giáo trình, tài liệu tham khảo trong quá trình giảng dạy.

Học viện Tư pháp dành ưu tiên đối với Trường Đại học Luật Hà Nội trong việc sử dụng cơ sở vật chất của Học viện để thực hiện công tác tuyển sinh đại học; cử cán bộ, viên chức của Học viện Tư pháp tham gia công tác tuyển sinh đại học.

8. Hai Bên cam kết tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhau đến các sinh viên và học viên.

9. Hai Bên cam kết tổ chức cho các giảng viên, học viên, sinh viên được làm thẻ thư viện của hai trường để tiếp cận thông tin, tài liệu học tập và nghiên cứu khoa học của nhau; được tiếp cận, sử dụng nguồn dữ liệu điện tử trong thư viện điện tử của nhau.

10. Hàng năm, hai Bên luân phiên tổ chức và cử đại diện tham gia các cuộc thi hùng biện, bản lĩnh nghề luật… do Bên kia tổ chức và cùng nhau tham gia các hoạt động phong trào của các bên khi được mời tham dự.

11. Các hoạt động và hình thức hợp tác khác phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi Bên được xác định trong quá trình thực hiện Bản thỏa thuận này.