Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế báo cáo tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác năm 2014. Theo đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức thuộc Vụ, sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ cũng như kế thừa phát huy những kết quả đạt được trong năm 2012, Vụ Pháp luật quốc tế đã thực hiện thành công một số lượng lớn các nhiệm vụ công tác theo Kế hoạch công tác năm 2013 của Vụ và thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao bổ sung ngoài Kế hoạch. Vụ đã tham mưu, giúp Bộ trưởng xây dựng và triển khai nhiều văn bản, đề án quan trọng trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác tương trợ tư pháp; Kế hoạch triển khai thực hiện quyền nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam; Đề án tổng thể về giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài; Quy chế phân công, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương về giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài; Kế hoạch triển khai thực hiện quyền nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam, Kế hoạch thực hiện Công ước về Các quyền dân sự và chính trị...
|
|
Công tác điều ước quốc tế (ĐƯQT) là mảng công tác quan trọng của Bộ Tư pháp, từ ngày 01/10/2012 đến 30/9/2013, Vụ đã chủ trì thẩm định 127 ĐƯQT và góp ý 428 ĐƯQT, thỏa thuận quốc tế tăng 63% về thẩm định và 15,6% về góp ý so với năm 2012. Vụ đã thẩm định 24 và góp ý 67 văn bản quy phạm pháp luật từ 01/10/2012 đến 31/12/2013. Tính đến hết ngày 31/12/2013, Vụ đã thực hiện gần 4.000 hồ sơ ủy thác tư pháp với 6.900 lượt công văn; tiếp nhận và giải quyết 35 yêu cầu đơn đề nghị công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2012, Vụ tiếp tục tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng, khẳng định đúng vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác đàm phán và cấp ý kiến pháp lý (YKPL) cho các ĐƯQT, các văn kiện thoả thuận vay vốn nước ngoài, bảo lãnh Chính phủ, các hồ sơ dự án đầu tư lớn. Đặc biệt, Vụ đã chủ động, tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, xử lý nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong quá trình cấp YKPL cho dự án đầu tư nước ngoài... Đến hết ngày 31/12/2013, Vụ Pháp luật quốc tế đã đàm phán gần 100 YKPL và đã cấp tổng cộng 62 YKPL.
Trong năm 2013, các vụ việc tranh chấp quốc tế liên quan tới Nhà nước Việt Nam đã tăng lên đáng kể không chỉ về số lượng mà cả về mức độ phức tạp và đối tượng khởi kiện. Vụ Pháp luật quốc tế đã tham gia giải quyết hiệu quả, kịp thời, bảo đảm tối đa lợi ích cho phía Việt Nam trong 16 vụ việc tranh chấp. Công tác nhân quyền của Vụ ngày càng đi vào thực chất, chú trọng đề cao nội luật hóa, kể cả hiến định các cam kết quốc tế của Việt Nam, qua đó đóng góp vào việc nâng cao vai trò và vị thế của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện thông qua việc Chính phủ đã tin tưởng giao cho Bộ Tư pháp làm cơ quan đầu mối quốc gia về Công ước ICCPR và chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện Công ước này. Vai trò quản lý nhà nước đối với công tác tương trợ tư pháp (TTTP) đã được Vụ quan tâm hơn trước, có những chuyển biến tích cực hơn và để thực hiện tốt Luật TTTP. Vụ cũng tham gia sâu rộng vào trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đàm phán các ĐƯQT về TTTP do Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đấu tranh chống tham nhũng thực hành tiết kiệm bảo vệ của công, thực hiện các Nội quy của Vụ, của Bộ, hợp tác quốc tế và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Trên cơ sở kết quả công tác năm 2013, Vụ Pháp luật quốc tế đề ra các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu như: Triển khai thi hành Hiến pháp 2013, trong đó tập trung vào các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các quy định về ĐƯQT và đối ngoại; Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Tư pháp quốc tế bên cạnh việc chủ trì sửa đổi Phần 7 Bộ luật Dân sự; Hoàn thiện khung pháp luật về cấp ý kiến pháp lý, cả về quy trình thủ tục và nội dung YKPL; Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ cơ quan đầu mối trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế có liên quan tới Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam được phân công theo Quyết định số 680/Đ-TTg ngày 03/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài và Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TTTP và xây dựng cơ chế theo dõi, bảo đảm hiệu quả TTTP về dân sự; Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam; Thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan tới Công ước của Liên hợp quốc về Các quyền dân sự và chính trị, trong đó có xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước lần thứ 3 trong năm 2014, gắn với thực hiện Hiến pháp (sửa đổi) 2013 và công tác nhân quyền trong tình hình mới; Rà soát, đánh giá lại để kiện toàn tổ chức cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; Sắp xếp lại cán bộ, công chức phù hợp với năng lực, khả năng xử lý công việc của Vụ; Bố trí, sắp xếp lại các Phòng một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu công tác và Quyết định mới của Bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật quốc tế.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận những chuyển biến lớn, những kết quả gặt hái được của Vụ Pháp luật quốc tế trong năm vừa qua. Bộ trưởng nhận định, các kết quả đạt được trong năm 2013 góp phần vào việc thực hiện thành công các nhiệm vụ, công tác trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp cũng như vào quá trình cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, đã được các đơn vị trong và ngoài Bộ cũng như đối tác nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, với định hướng phát triển Vụ theo Quyết định số 1178/QĐ-BTP thì chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi phải nỗ lực, “phi nước đại” nhiều hơn nữa. Một trong những mục tiêu phấn đấu mà Bộ trưởng chỉ đạo là phải có những giải pháp thiết thực để đơn vị có thể trở thành một trung tâm mang tính quốc gia về tư pháp quốc tế. Bộ trưởng hi vọng rằng, với những nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ công chức, Vụ sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, khẳng định được vai trò, vị thế của công tác pháp luật quốc tế trong thời gian tới.