Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, thực hiện các định hướng trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị), Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị), công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải giải quyết như hệ thống pháp luật nước ta còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản QPPL; số lượng văn bản QPPL được ban hành là rất lớn và ngày càng nhiều mà chưa có một địa chỉ hay tài liệu nào tập hợp được đầy đủ, có độ chính xác và tin cậy cao; các văn bản chưa được rà soát, phân loại, sắp xếp một cách hệ thống theo những chủ đề nhất định.
Do vậy, việc tiếp cận, tra cứu để áp dụng, thực hiện văn bản QPPL ngày càng trở nên khó khăn. Chi phí về thời gian, nguồn lực cho việc áp dụng, thực hiện pháp luật cũng tăng lên cùng với những rủi ro khó lường, ảnh hưởng đến tính minh bạch, thống nhất, đơn giản, khả thi của hệ thống pháp luật; làm giảm niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào hệ thống pháp luật trong quá trình thực hiện các quyền dân sinh, đầu tư kinh doanh.
Trước thực trạng đó, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Pháp lệnh được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các QPPL hiện hành ở cấp trung ương, sắp xếp các quy phạm đó theo một trật tự với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.
Bộ pháp điển được cấu trúc theo 45 chủ đề, mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Đề mục là bộ phận cấu thành của chủ đề, trong đó chứa đựng các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Trong đề mục, tùy theo nội dung có thể có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm. Sau khi cơ quan thực hiện pháp điển các đề mục và được thẩm định theo quy định, Chính phủ quyết định thông qua kết quả pháp điển theo từng chủ đề của Bộ pháp điển. Bộ Tư pháp sắp xếp các chủ đề đã được Chính phủ thông qua vào Bộ pháp điển và đăng tải trên Trang thông tin điện tử pháp điển.
Tuy nhiên, do việc pháp điển không làm thay đổi nội dung và không quy định những chính sách pháp luật mới, nên bộ pháp điển sẽ được Chính phủ thông qua nhanh chóng, không mất thời gian cho việc thảo luận, tranh cãi về chính sách. Việc được Chính phủ thông qua chỉ mang ý nghĩa xác nhận giá trị pháp lý thi hành của Bộ pháp điển, ghi nhận Bộ pháp điển bao gồm những quy định hiện hành, có hiệu lực trong các lĩnh vực được pháp điển.
Tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện pháp điển ngay từ năm 2014
Đó là mục tiêu được Cục Kiểm tra văn bản QPPL đặt ra ngay sau khi nhận nhiệm vụ phụ trách công tác pháp điển hệ thống QPPL nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ này ngay từ những ngày đầu. Trên cơ sở Bộ Tư pháp được giao thống nhất quản lý nhà nước trong việc xây dựng Bộ pháp điển theo quy định của Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP (ngày 17/6/2013) quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, Chỉ thị số 26/CT-TTg (ngày 28/9/2012) về việc triển khai thi hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL và Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, Nghị định số 22/2013/NĐ-CP (ngày 13/3/2013) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao Cục Kiểm tra VBPPL thực hiện nhiệm vụ này giúp Bộ trưởng bằng Quyết định số 2929/QĐ-BTP (ngày 27/11/2013) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra văn bản QPPL.
Thực hiện nhiệm vụ pháp điển hệ thống QPPL, năm 2014, Cục Kiểm tra văn bản QPPL xác định sẽ tham mưu, chủ trì để Bộ Tư pháp xây dựng được Đề án “Xây dựng Bộ pháp điển hệ thống QPPL” với nội dung chính là xác lập lộ trình pháp điển, trình Thủ trưởng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng phần mềm pháp điển và Trang thông tin điện tử về pháp điển, đặc biệt là hoàn thiện thể chế về kỹ thuật để các cơ quan thuận lợi trong việc thực hiện pháp điển. Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng đang tính đến việc xây dựng bảng tiêu chí theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp điển của các Bộ, ngành để thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thực hiện công tác pháp điển.
Vì pháp điển là công việc của nhiều cơ quan nên Bộ Tư pháp cũng phải phối hợp với các cơ quan thực hiện pháp điển xây dựng, trình Chính phủ ban hành Danh mục các đề mục và phân công cơ quan thực hiện pháp điển, kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng kế hoạch đảm bảo thực hiên pháp điển đúng lộ trình. Trên cơ sở kế hoạch của các cơ quan thực hiện pháp điển, Bộ Tư pháp sẽ đôn đốc, bảo đảm công tác pháp điển đồng bộ, thống nhất, đúng tiến độ.
Với kế hoạch, nội dung công việc cụ thể đã được đưa ra và nỗ lực của những người làm công tác pháp điển hệ thống QPPL nói chung và Cục Kiểm tra văn bản QPPL nói riêng, hy vọng, Bộ pháp điển được hoàn thành theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL sẽ có giá trị sử dụng tin cậy, có tác dụng hạn chế việc bỏ sót QPPL khi áp dụng, khắc phục tình trạng áp dụng QPPL đã hết hiệu lực, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và nguồn lực trong việc tìm kiếm và áp dụng QPPL, góp phần tích cực cho việc áp dụng và thi hành pháp luật trong tương lai./.
Nguyễn Duy Thắng-Cục Kiểm tra VBQPPL