Đồng chủ trì Hội thảo gồm đồng chí Đỗ Hữu Lâm – Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đồng chí Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, đồng chí Trần Minh Mẫn – Giám đốc Sở tư pháp tỉnh Long An.
Tham gia Hội thảo gồm đại diện các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã; Cơ quan công an; Cơ quan Bảo hiểm xã hội; Sở Lao động, thương binh và xã hội, Phòng Lao động, thương binh và xã hội trong khu vực phía Nam.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục riêng biệt: đăng ký khai sinh, hộ khẩu, cấp bảo hiểm y tế theo pháp luật hiện hành và những thuận lợi, khó khăn, kết quả mang lại tại các địa phương đang triển khai mô hình một cửa liên thông từ đó đánh giá được hiệu quả của mô hình này và tìm ra cách thức nhân rộng mô hình trong phạm vi cả nước.
Sự cần thiết của việc áp dụng mô hình một cửa liên thông
Theo bà Nguyễn Thị Bích Lan Thu (Trưởng phòng Phòng Công tác Hành chính tư pháp – Bổ trợ tư pháp, Cục CTPN) pháp luật hiện hành quy định khi người dân làm các thủ tục đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu và làm thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải đi lại ít nhất 3 lần tại hai cơ quan khác nhau là UBND cấp xã và công an huyện/ xã, do đó phải mất ít nhất 6 buổi và đi lại 12 lần, theo thời gian quy định là 26 ngày, đồng thời phải cung cấp nhiều lần cho cơ quan có thẩm quyền các thông tin cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện thủ tục trên tại nhiều địa phương có thể kéo dài hơn so với quy định, gây không ít khó khăn cho nhân dân trong việc đi lại, công ăn, việc làm và tốn kém chi phí.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm đảm bảo thuận lợi cho người dân và tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, năm 2010, UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã xây dựng Kế hoạch thực hiện mô hình một cửa liên thông tại UBND các xã, thị trấn thuộc huyện đầu tiên trong cả nước. Theo đó, ba thủ tục riêng biệt về hồ sơ, trình tự, lệ phí được kết hợp trong một quy trình tiếp nhận và trả kết quả liên thông với nhau. Với sự kết hợp này, người dân khi có nhu cầu chỉ cần nộp hồ sơ một lần tại UBND cấp xã nhưng được thực hiện cả ba thủ tục và nhận kết quả ở bộ phận một cửa.
Những thuận lợi khi áp dụng mô hình
Qua tham luận và thảo luận của các đại biểu tham gia Hội thảo, đa số đại biểu đều nhất trí với những thuận lợi mà mô hình liên thông một cửa mang lại như:
(1) đối với người dân: thủ tục đơn giản, thực hiện dễ dàng, tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, đảm bảo được các quyền lợi của trẻ em. Hiệu quả mang lại khi thực hiện các nhóm thủ tục trên cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân cũng như tạo thói quen chấp hành pháp luật, đồng thời giúp người dân hiểu rõ luật và chính sách của nhà nước.
(2) đối với công tác quản lý nhà nước: nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp trong việc thực hiện giữa các cơ quan liên quan như: tư pháp – công an – BHXH – Lao động, thương binh và xã hội. Qua đó, chính quyền địa phương cũng nắm được số liệu chính xác trong vấn đề dân sinh tại địa phương, việc quản lý dân số phát sinh mới được chặt chẽ. Có sự chuyển biến tích cực về ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Việc áp dụng mô hình không phát sinh thêm các thủ tục hành chính mới, phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính mà nhà nước đang thực hiện ở các cấp chính quyền địa phương, được nhân dân đánh giá tốt và tạo lòng tin trong nhân dân.
Những khó khăn khi áp dụng mô hình
Bên cạnh những mặt đạt được, các đại biểu cũng thừa nhận việc áp dụng mô hình này còn gặp phải một số khó khăn chủ yếu như:
(1) Sự phối hợp giữa các bộ phận một cửa UBND cấp xã với cán bộ trực tiếp dân giải quyết đăng ký có lúc còn thiếu thống nhất, thiếu sự trao đổi thường xuyên dẫn đến hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an không đảm bảo về điều kiện, thủ tục theo quy định tại Thông tư số 52/2010/TT-BCA.
(2) Chưa có chính sách cụ thể đối với cán bộ, công chức thực hiện liên thông.
(3) Việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử chỉ áp dụng giữa đơn vị UBND phường và BHXH, còn việc nộp hồ sơ qua Công an vẫn bằng phương pháp nộp trực tiếp.
(4) Trang thiết bị chưa bảo đảm cho công việc: Một số xã, phường chưa được cung cấp đầy đủ và đồng bộ máy vi tính cho bộ phận một cửa và tư pháp xã do đó chưa chủ động được trong công việc.
Kiến nghị của địa phương
Từ kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, được nêu ra qua quá trình thí điểm thực hiện mô hình liên thông một cửa, đại biểu một số địa phương đề nghị mô hình này cần phải được nhân rộng và tiếp tục duy trì, cải thiện để phục vụ người dân được tốt hơn nữa. Việc triển khai thực hiện mô hình một cửa liên thông cần phải nhận được sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành. Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức thực hiện công việc và hệ thống dữ liệu, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước cần phải được xây dựng và hoàn thiện.
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Lê Tiến Châu khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục triển khai mô hình một cửa liên thông. Những ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp và kịp thời báo cáo với Lãnh đạo Bộ Tư pháp để nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án mô hình một cửa liên thông thống nhất thực hiện trong phạm vi toàn quốc.
Tin từ Cục Công tác phía Nam