Chủ trì tọa đàm có đồng chí Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia - Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án về xử lý vi phạm hành chính và đồng chí Phạm Văn Trọng - Giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì. Đồng chí Trần Kim Mai - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang đã đến dự tọa đàm và phát biểu ý kiến. Tham dự tọa đàm có 70 đại biểu đến từ 17 Sở Tư pháp các tỉnh thuộc khu vực phía Nam, đại diện một số Sở, ban, ngành và Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã của tỉnh Tiền Giang.
Khai mạc tọa đàm, đồng chí Lê Tiến Châu - Cục trưởng Cục công tác phía Nam đã nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc trao đổi, chia sẻ thông tin kinh nghiệm tại Tọa đàm. Đồng chí Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia - Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án về xử lý vi phạm hành chính đã trình bày một số nội dung chủ yếu, quan trọng của nội dung Đề án "Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương" ban hành kèm theo Quyết định 1950/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa và nội dung các nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương trong việc triển khai công tác này. Với 8 tham luận trình bày tại Tọa đàm và nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp giữa các đại biểu, Tọa đàm đã gợi mở ra những đường hướng mới cho việc triển khai hiệu quả công tác quản lý thống nhất thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong đó, đặc biệt là Sóc Trăng và Đồng Tháp là hai địa phương trong khu vực phía Nam đã có sự chủ động triển khai công tác này trước khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành. Qua tham luận của Sóc Trăng và Đồng Tháp cho thấy, hai địa phương này thời gian qua đã thực hiện nhiều hoạt động trực tiếp liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thể hiện rõ nét vai trò của Sở Tư pháp trong việc chủ động tham mưu cho UBND để triển khai thực hiện công tác này.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng nêu rõ: nhiệm vụ quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là nhiệm vụ mới, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về biên chế tại địa phương và kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Thành ủy, sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên của UBND các cấp, sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành tại địa phương là nhân tố vô cùng quan trọng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật XLVPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, các đại biểu dự tọa đàm đưa ra một số kiến nghị, đề xuất báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp sớm có chỉ đạo, định hướng về công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quan tâm giải quyết các khó khăn vướng mắc của địa phương để các tỉnh, thành phố có thể triển khai nhanh, hiệu quả công tác này trên thực tế.
Kết thúc tọa đàm, đồng chí Đặng Thanh Sơn đã giải đáp cụ thể các ý kiến của đại biểu, cảm ơn sự chia sẻ kinh nghiệm, thông tin tình hình thực tiễn và tinh thần trách nhiệm của các đại biểu tham dự Tọa đàm, đồng thời nêu rõ, các thông tin, kinh nghiệm được chia sẻ tại Tọa đàm là rất thiết thực, hữu ích đối với việc triển khai Đề án. Thay mặt Ban Tổ chức và Cục Công tác phía Nam, đồng chí Lê Tiến Châu đã gửi lời cảm ơn chân thành tới đại diện 17 Sở Tư pháp trong khu vực phía Nam tham dự Tọa đàm và lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Tư pháp Tiền Giang đã tạo điều kiện để Tọa đàm được tổ chức, thành công tốt đẹp./.