Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”

14/11/2013
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”
Theo Kế hoạch công tác năm 2013 đã được UNDP và Bộ Tư pháp phê duyệt và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/11/2013, tại Hà Nội, Vụ Pháp luật quốc tế đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”. Hội thảo có sự tham dự của chuyên gia quốc tế đến từ Ủy ban Nhân quyền, Luật sư về Luật nhân quyền quốc tế, đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao...Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan tư pháp địa phương như Sở Tư pháp các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Phú Thọ, Nghệ An, Bình Định…

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200 A (XXI) ngày 16/2/1966 và có hiệu lực ngày 23/3/1976, tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được thể hiện ở việc cho đến nay đã có 167 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc là thành viên của Công ước này. Công ước ICCPR cùng với Tuyên ngôn Nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội tổng hợp khái niệm chung về các quyền cơ bản nhất của con người và được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như là Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế.

Việt Nam gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24/9/1982 nằm trong nỗ lực và quan tâm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kể từ khi trở thành thành viên của Công ước ICCPR, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực thi Công ước này thể hiện ở việc nghiên cứu, tuyên truyền về nội dung Công ước, nội luật hóa các quy định của Công ước, xây dựng các báo cáo quốc gia thực thi Công ước. Đối với Việt Nam, việc đảm bảo và phát huy quyền con người nói chung và các quyền dân sự, chính trị nói riêng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quyền dân sự, chính trị của người dân đã được ghi nhận và đảm bảo từ các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 cho đến Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) và được cụ thể hóa trong các văn bản luật như: Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, Luật Bầu cử đại biểu quốc hội, Luật Báo chí, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo…với nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền con người, hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đảm bảo các quyền dân sự, chính trị của người dân đã được quy định trong Công ước ICCPR.

 

Theo quy định tại Điều 40 của Công ước ICCPR, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nộp Báo cáo đầu tiên về tình hình thực hiện các quyền được quy định trong Công ước trong vòng 1 năm kể từ khi gia nhập. Ủy ban Công ước sẽ xem xét Báo cáo và ấn định thời gian nộp báo cáo tiếp theo.

Đối với Việt Nam, Việt Nam đã xây dựng được 02 Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR, báo cáo đầu tiên vào năm 1989 và báo cáo thứ hai là vào năm 2001. Hiện nay, cách thức xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia có nhiều điểm mới so với trước đây, cần phải cập nhật để có được cách nhìn nhận một cách tổng thể về việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR. Ngoài ra, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ các nước khác và từ góc nhìn của Ủy ban Công ước trong việc xây dựng và bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR cũng như kinh nghiệm từ việc xây dựng các báo cáo quốc gia thực thi các điều ước quốc tế khác về quyền con người là rất hữu ích. Xuất phát từ yêu cầu và mục đích như vậy, Hội thảo đã được chuyên gia quốc tế đến từ Ủy ban Nhân quyền-là cơ quan trực tiếp hướng dẫn xây dựng và thông qua các báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR trình bày về kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước này (kinh nghiệm của một số nước và từ góc nhìn của Ủy ban Công ước); các yêu cầu đối với việc xây dựng báo cáo quốc gia; cách thức xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR. Ngoài ra, các chuyên gia Việt Nam đến từ Bộ Ngoại giao và Ủy ban Dân tộc cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo ICCPR trước đây cũng như kinh nghiệm trong việc xây dựng và bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi các điều ước quốc tế khác về quyền con người…

 

Qua việc chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước đã làm rõ hơn quy trình xây dựng báo cáo, vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng báo cáo đặc biệt là vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong việc tham gia xây dựng báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR, cách thức làm việc và thông qua báo cáo của Ủy ban Nhân quyền…Có thể thấy đây là những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong việc xây dựng báo cáo quốc gia tiếp theo về việc thực thi Công ước ICCPR.