Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tịnh – Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 nhấn mạnh: hệ thống pháp luật ổn định, lành mạnh là yếu tố tiên quyết, tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế, động lực thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thấu hiểu được tầm quan trọng của pháp luật, vai trò của việc tư vấn pháp luật trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Vì vậy, trên cơ sở nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Quản lý Chương trình 585 đã xây dựng Đề án thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm giúp các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng nêu trên được tiếp cận chính sách trợ giúp, nâng cao thói quen sử dụng tư vấn pháp luật, hạn chế rủi ro, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng được giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách, phương án tài chính nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam...
Tại Hội nghị, sau khi được nghe giới thiệu về Dự thảo Đề án, các đại biểu đã góp ý vào mô hình mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; thảo luận và trình bày các tham luận về tác động và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới.