Tham gia Hội thảo, về phía CHLB Đức có: Ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES tại Hà Nội; GS.TS. Jürgen Keßler, Trường Đại học Kinh tế - Kĩ thuật Berlin, Cộng hoà Liên bang Đức; GS.TS. Thomas Schmitz, giảng viên dài hạn của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD); ông Bùi Công Thọ, Trưởng Văn phòng đại diện bang Hessen, CHLB Đức tại Việt Nam và Trung tâm pháp luật Đức tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có: TS. Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng: TS. Trương Quang Vinh, TS.Trần Quang Huy. Hội thảo vinh dự được đón tiếp nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia làm công tác thực tiễn đến từ Bộ Tư pháp, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Khoa học pháp lý, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các cơ quan báo chí: Đài truyền hình Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam… giảng viên thuộc nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo pháp luật trong cả nước cùng đông đảo giảng viên Khoa pháp luật kinh tế và học viên, sinh viên trong Trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu và ông Erwin Schweisshelm chào mừng các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo và hi vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để các bên trao đổi, đánh giá về pháp luật kinh tế của Việt Nam nói chung cũng như pháp luật doanh nghiệp, pháp luật phá sản của Việt Nam nói riêng đồng thời học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm quý báu về khoa học pháp lý của các quốc gia tiên tiến như CH Pháp, CHLB Đức và Nhật Bản, từ đó đúc rút kinh nghiệm nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Sau phần khai mạc, Hội thảo đã vinh dự được nghe ông Bùi Công Thọ đọc thư chào mừng Hội thảo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Ngài Uwe Hahn, Phó Thủ hiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội nhập và châu Âu, bang Hessen, CHLB Đức.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ CHLB Đức, CH Pháp, Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều tham luận về những vấn đề khác nhau liên quan đến Luật doanh nghiệp và Luật phá sản, trong đó nêu lên thực trạng của pháp luật hiện nay đồng thời đưa ra quan điểm và định hướng sửa đổi. Tham luận trình bày tại Hội thảo là những ý kiến tiêu biểu đề cập một số nội dung chủ yếu như thủ tục đăng ký doanh nghiệp; vấn đề góp vốn và quản lý phần vốn góp ở doanh nghiệp; quy định của pháp luật về người quản lý doanh nghiệp; vấn đề quản lý doanh nghiệp sau đăng ký; vấn đề quản trị doanh nghiệp; cơ chế quản lý tài sản của doanh nghiệp trong thủ tục phá sản; vướng mắc cơ bản của Luật phá sản năm 2004; việc xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; thủ tục thanh lý tài sản, thanh toán nợ trong phá sản; vai trò và quyền hạn của người có thẩm quyền thực hiện thủ tục phá sản… trong pháp luật Việt Nam và các quốc gia như CHLB Đức, CH Pháp, Nhật Bản. Phần thảo luận tại Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu luật cũng như đông đảo khách mời tham dự.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Erwin Schweisshelm và TS. Phan Chí Hiếu đánh giá cao các tham luận cũng như ý kiến đóng góp tại Hội thảo đồng thời hi vọng trong thời gian tới, Viện FES cùng Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực. Kết quả thu được từ Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quý báu cho quá trình sửa đổi và bổ sung những bất cập của Luật doanh nghiệp và Luật phá sản nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguyễn Thu Huyền